Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu và đang được Chính phủ từng bước tháo gỡ về mặt chính sách, thể chế. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hiện thực hóa tham vọng trong lĩnh vực này sau thời gian chững lại chờ Quy hoạch điện VIII.
Năng lượng tái tạo nhận nhiều tin tốt
Cổ phiếu năng lượng tái tạo từ đầu năm đến nay nhận được nhiều thông tin hỗ trợ khi các chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động kinh lần lượt được ban hành. Ngay từ đầu năm Bộ Công Thương cũng đã công bố giá trần năng lượng tái tạo cho dự án chuyển tiếp từ 1.185 – 1.816 đồng/kWh tùy loại hình, tuy thấp hơn giá FIT (giá ưu đãi) nhưng cũng là cơ sở để tính giá điện cho những dự án không chạy kịp thời hạn. Đến tháng 5, Quy hoạch điện VIII được ban hành là cơ sở quan trọng gỡ rối cũng như động lực để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tham vọng phát triển năng lượng tái tạo. Sau đó, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được COD, phát điện thương mại lên mạng lưới.
Quy hoạch điện VIII đề cao vai trò nguồn năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt chiếm 30,6% công suất nguồn và tăng lên 59,5 – 63,8% vào năm 2050. Trong đó, nhóm điện gió được ưu tiên phát triển, từ nay đến 2023 công suất dự kiến tăng gấp 6,7 lần so với 2022, tỷ trọng tăng từ 5,2% lên 17,6%. Đến 2050, công suất điện gió nâng tỷ trọng lên 26,5% - 29,4% tổng công suất đặt. Điện mặt trời từ nay đến 2030 chưa phát triển thêm do tăng trưởng quá nóng giai đoạn trước 2020. Đến 2030, tỷ trọng điện mặt trời đạt 13% và đến 2050 tăng lên 33% - 34,4%.
Nhiệt điện khí và điện khí LNG cũng được chú trọng phát triển, thủy điện sẽ huy động tối đa công suất còn nhiệt điện than không được phát triển thêm, duy trì đến 2030 và giảm dần đến 2050 thì không còn được vận hành.
Trong cuộc gặp với Đặc phái viên Hòa Kỳ John Kerry ngày 9/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lại nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình từng bước thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị COP26, triển khai từng bước thực hiện thỏa thuận JETP, ban hành Quy hoạch điện VIII…
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn về nắng và gió để phát triển năng lượng tái tạo, đang triển khai các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này một cách bài bản, khẩn trương hoàn thiện thể chế (bao gồm nguồn điện, tải điện, giá điện), huy động vốn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển năng lượng tái tạo.
Qua đó, Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Đặc phái viên John Kerry cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong phát triển năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái.
Nội dung buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đặc phát viên John Kerry một lần nữa khẳng định tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Những vướng mắc về chính sách được tháo gỡ là cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện hóa tham vọng phát triển năng lượng tái tạo của mình. Bamboo Capital (HoSE: BCG) định hướng trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong mảng năng lượng tái tạo. Mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến là hoàn thiện danh mục 2 GW tổng công suất phát điện vào 2025, làm tiền đề cho việc mở rộng ra thị trường khu vực và quốc tế. Sau khi vướng mắc thể chế được tháo gỡ, tập đoàn sẽ triển khai các dự án trong danh mục đầu tư, đặc biệt là điện gió.
Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) cũng có tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp tạo được tiếng vang khi tháng 10/2021, cụm nhà máy điện gió Liên Lập, Phong Lập, Phong Nguyên tại Quảng trị chính thức vận hành thương mại với tổng công suất 144 MW, đủ điều kiện bán điện giá FIT. Mục tiêu của tập đoàn là đầu tư và quản lý 350 MW năng lượng tái tạo vào 2025, vận hành thành công 1 GW điện gió offshore vào 2035. Ngoài ra, tập đoàn đã vận hành 7 nhà máy thủy điện công suất 170 MW có tổng đầu tư 5.000 tỷ đồng và đang có kế hoạch đầu tư thêm 2 nhà máy thủy điển công suất 40 MW.
Hay Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đang sở hữu 3 nhà máy điện mặt trời, điện gió và 7 nhà máy thủy điện có tổng công suất 488 MW. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng tổng công suất lên 1 GW. Mảng năng lượng tái tạo đang là mảng chính đem lại doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó.
Hà Đô có dự án trang trại điện gió An Phòng công suất 350 MW được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện VIII. VietCap ước tính dự án có tổng công suất 12.500 tỷ đồng và có thể đi vào vận hành từ 2027.
Kết quả kinh doanh đi xuống vì nhiều yếu tố
Ngoại trừ Điện Giai Lai, các doanh nghiệp như Bamboo Capital, Hà Đô, Tập đoàn PC1, REE Corporation đều có mảng hoạt động khác ngoài năng lượng tái tạo như bất động sản, xây lắp, tài chính, nước… Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo kể trên đều bị ảnh hưởng bởi môi trường lãi suất cao hay các lĩnh vực kinh doanh khác gặp khó.
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo, đơn vị: tỷ đồng
Như Bamboo Capital, hụt thu tài chính và mảng bất động sản khiến lợi nhuận giảm 74% xuống 134 tỷ đồng. Nảng năng lượng tái tạo vẫn có kết quả rất khả quan. Tập đoàn phát triển năng lượng tái tạo qua BCG Energy. Tính đến hết 2022, BCG Energy sở hữu danh mục dự án phát điện lên đến 600 MW bao gồm các dự án điện mặt trời, điện áp mái, đang mang lại dòng tiền ổn định cho tập đoàn và đóng góp từ 20 – 30% doanh thu mỗi năm.
Năm trước, mảng năng lượng mang lại doanh thu 1.064 tỷ đồng cho tập đoàn, tăng 36% và lợi nhuận 296 tỷ đồng, giảm 9% so với 2021. Nửa đầu năm nay, doanh thu đạt 565 tỷ đồng, tăng 16% nhờ 144 MW còn lại của nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được COD theo giá điện chuyển tiếp và đóng góp 31% tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Hà Đô cũng báo cáo lợi nhuận nửa năm giảm 46% xuống 338 tỷ đồng do mảng bất động sản đi xuống, còn mảng năng lượng duy trì ổn định.
Hà Đô cho biết năm 2022 là năm đầu tiên ghi nhận đủ doanh thu của các dự án năng lượng đã phát triển. Nhờ đó, doanh thu mảng năng lượng đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 66% so với 2021 và tỷ trọng đóng góp tăng từ 34% lên 60% tổng doanh thu. Tỷ trọng lợi nhuận gộp cũng tăng từ 40% lên 69%.
Nửa đầu năm nay, mảng năng lượng tiếp tục là mảng chính đem lại doanh thu và lợi nhuận gộp cho tập đoàn với tỷ trọng lần lượt 60% và 73%. Trong quý II, Hà Đô hoàn tất thương vụ M&A Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thủy điện Sơn Linh, chủ đầu tư dự án thủy điện Sơn Nham (6,8 MW) và Sơn Linh (7 MW).
Trong nửa đầu năm nay, Điện Giai Lai (HoSE: GEG) báo cáo doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước đạt 1.029 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng giảm 58% xuống 73 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí lãi vay tăng thêm 100 tỷ đồng khi nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào vận hành và lãi suất vay vốn tăng.
Hay PC1, từ khi 3 nhà máy điện gió đi vào vận hành thì chi phí lãi vay của doanh nghiệp bắt đầu tăng mạnh bào mòn lợi nhuận. Năm 2022, chi phí lãi vay gấp đôi lên 605 tỷ đồng và nửa đầu năm nay tăng 68% lên 421 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận ròng 2022 giảm 34% xuống 460 tỷ đồng và nửa đầu năm nay giảm 99% xuống 2 tỷ đồng.
Riêng mảng năng lượng, trong năm đầu tiên vận hành 3 nhà máy điện gió, doanh thu bán điện của PC1 tăng mạnh 85% đạt 1.715 tỷ đồng. Song, đến nửa đầu năm nay, doanh thu giảm 28% xuống 666 tỷ đồng do hiện tượng El Nino tác động tiêu cực đến hoạt động thủy điện và mùa gió yếu.
Mỹ Hà