Doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung tỏ ra lạc quan vào kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, nhờ vào những dấu hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu, và niềm tin vào nỗ lực vực dậy kinh tế của Chính phủ. Mặc dù vậy, niềm tin này cũng cần được "nuôi dưỡng" trong bối cảnh năm 2024 còn nhiều biến số.
Theo bà Hoàng Bích Thảo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàng Lam, năm nay doanh nghiệp (DN) này dự định mở rộng thêm các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như mở rộng vùng trồng xoài và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm xoài.
Niềm tin của doanh nghiệp dần trở lại
“DN đã mua thêm đất trồng cây lâu năm để phát triển cây nông nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi mở rộng việc thi công chăm sóc cây kiểng ra các tỉnh để có công ăn việc làm cho công nhân”, bà Thảo nói.
Niềm tin của doanh nghiệp đã dần trở lại nhưng cần phải “nuôi dưỡng” trong bối cảnh năm 2024 còn nhiều biến số.
Khảo sát của Vietnam Report cuối năm 2023 cho thấy, 63,6% số DN bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm tới. Về phía bản thân DN, tỷ lệ lạc quan có thấp hơn một chút, với 51,1% số DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện nhẹ và 6,7% số DN cho rằng triển vọng năm 2024 sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2023. Ở chiều ngược lại, vẫn có lần lượt 34,1% và 28,9% số DN nhận định khó khăn sẽ còn bủa vây nền kinh tế và DN trong khi tình hình chưa thể có nhiều cải thiện trong vòng một năm tới.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV) mới công bố cũng cho thấy, niềm tin của DN đã dần trở lại nhưng cần phải “nuôi dưỡng” trong bối cảnh năm 2024 còn nhiều biến số. Thực tế, bức tranh nhìn chung cũng vẫn mang nhiều điểm tiêu cực. Trong bức tranh tiêu cực chung đó, DN ngành Xây dựng; các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; DN khu vực ngoài nhà nước; DN tại TP. HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn. Do đó, trong việc xây dựng và thực thi chính sách năm 2024, cần có sự chú ý đến những DN thuộc các nhóm kể trên.
Có đến 63,8% DN được khảo sát vẫn đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới, trong đó lựa chọn rất tiêu cực chiếm 17,6%, tiêu cực chiếm 46,2%. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chiếm 12,4% các DN được khảo sát. Các kết quả này dù còn bộc lộ sự khó khăn cho DN nhưng đều cải thiện hơn kết quả đánh giá thời điểm tháng 4/2023.
Liên quan đến triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh, 64,3% DN tham gia khảo sát đánh giá triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh của DN mình trong năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó 19,3% đánh giá rất tiêu cực. Chỉ có 10,7% DN tham gia khảo sát đánh giá triển vọng thị trường là rất tích cực/tích cực. Tuy nhiên, tất cả các kết quả và khía cạnh đánh giá về triển vọng thị trường của tháng 12 đều bộc lộ yếu tố tích cực hơn so với kỳ đánh giá tháng 4.
Thêm vào đó, khảo sát Ban IV cũng chỉ rõ triển vọng của DN trong năm 2024 theo đánh giá từ chính các DN cũng thể hiện bức tranh tiêu cực như trạng thái chủ đạo của tổng thể bức tranh kinh tế theo kết quả khảo sát. Có đến 72,8% DN được khảo sát dự kiến sẽ giảm quy mô; ngừng/tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể; chỉ 18,1% giữ nguyên quy mô. Tỷ lệ DN mở rộng quy mô chỉ đạt 8,3%, trong đó chỉ 1,5% dự kiến mở rộng quy mô mạnh mẽ. Đặc biệt, tỷ lệ DN ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11,8%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,2%.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Tính theo ngành kinh tế, DN ngành xây dựng tiếp tục thể hiện bức tranh tiêu cực nhất về triển vọng năm 2024. Có đến 80,3% DN ngành xây dựng dự kiến giảm quy mô hoạt động, ngừng kinh doanh chờ giải thể, tạm ngừng kinh doanh, trong đó tỷ lệ dừng/tạm dừng kinh doanh lên đến 30,6% DN trong ngành tham gia khảo sát.
Trong số 2.079 DN dự kiến còn hoạt động năm 2024 (trong tổng số 2.734 DN tham gia khảo sát), tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô lao động từ 5% trở lên năm 2024 lên đến 58,9%. Như vậy, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 sẽ kéo dài sang năm 2024 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của DN.
Theo ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital, cuối năm 2023 mức tăng các đơn đặt hàng chưa mạnh đến mức để các nhà máy sản xuất mới được mở ra, lĩnh vực bất động sản còn khó khăn. Chính vì vậy, tín dụng cũng tăng trưởng chậm theo. Hy vọng năm 2024, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 14-15%, hàng hóa sản xuất và xuất khẩu cũng phải tăng trở lại mức bình thường, tiêu dùng nội địa phải tăng trưởng thì đó sẽ là những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong 2024.
Trước thực tế trên, Ban IV đề xuất giảm thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ về 18% sau đó về 15% để giúp DN củng cố nguồn lực trong ngắn hạn. Đồng thời, Ban IV cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện hơn, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các DN có khả năng phục hồi nhanh (ví dụ: doanh thu giảm ở mức dưới 30%, không nợ thuế, không nợ bảo hiểm, lịch sử DN hoàn thành mọi nghĩa vụ tốt). Các khoản vay lưu động tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các DN (hiện nay các ngân hàng giải ngân vốn lưu động từ: 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng).
Đối với tiếp cận thị trường, Nhà nước tích cực tạo các cuộc gặp giữa các DN với các đơn vị có nhu cầu mua hàng trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn theo từng chủ đề. Hỗ trợ các DN chi phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước để tiếp cận khách hàng. Kích thích tiêu dùng thông qua việc khoan sức dân (xem xét tính hợp lý của các mức thuế và phí), hạn chế sự lạm dụng các quy định pháp luật (ví dụ kiểm tra nồng độ cồn một cách thái quá) nhằm hỗ trợ yếu tố gốc rễ của nền kinh tế là tiêu dùng cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, dù tình hình sản xuất, kinh doanh của DN còn khó khăn nhưng điều này không có nghĩa là không có cơ hội nào cho DN. Thực tế cho thấy trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều bạn trẻ có kiến thức và sự nhạy bén đã khởi nghiệp rất thành công. Nhiều startup khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên bản địa cho ra các sản phẩm giá trị cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới được thị trường đón nhận tích cực.
Ông Hong Sun
Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)
Để giúp các DN Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư và đầu tư mới, Chính phủ Việt Nam cần tích cực hơn trong cải thiện thủ tục hành chính cũng như đảm bảo về cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, nhiều dự án năng lượng tái tạo của Hàn Quốc tại các tỉnh Nam Trung Bộ có giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ USD nhưng vẫn đang phải chờ đợi vì chưa giải quyết xong các thủ tục. Nếu giải quyết được vấn đề này thì Việt Nam vừa tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng sạch, vừa giải quyết vấn đề thiếu điện như đã xảy ra trong năm 2023.
Ông Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam 2023 sẽ sắc nét hơn, ấn tượng sâu đậm hơn nếu như một số bất cập về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được tháo gỡ kịp thời; nếu DN không phải đối mặt với khó khăn từ dòng tiền và thủ tục hành chính. Do vậy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Đặng Hiến
Tổng giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Tân Quang Minh
Năm 2024, Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, từ đó nguồn tiền chảy vào ngành khác, nâng cao thu nhập người tiêu dùng, giúp hàng hoá tiêu thụ, giúp phục hồi sản xuất. Cộng đồng DN mong muốn năm 2024 sẽ là năm phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Với DN, chúng tôi hy vọng 2024, mức tăng trưởng sẽ đạt ở mức hai con số.
Nhật Linh