Do lợi nhuận của doanh nghiệp nước cũng như thị giá cổ phiếu nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng ổn định, nên cổ phiếu của nhóm ngành này được đánh giá là tài sản an toàn cho các nhà đầu tư. Dù vậy, đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành nước không hề dễ.
Kết thúc năm 2023, nhiều doanh nghiệp ngành nước đã công bố kết quả kinh doanh “sáng”, thậm chí còn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Kết quả kinh doanh vượt trội
Điển hình, kết thúc quý IV/2023, CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng (Lawaco, mã: LDW) báo lãi sau thuế hơn 17 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2023, Lawaco báo lãi trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 100 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022 và vượt 35% kế hoạch năm là 74 tỷ đồng.
Lợi nhuận của doanh nghiệp nước cũng như cổ phiếu nhóm này nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng ổn định.
Tương tự, CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW) báo lãi sau thuế quý IV/2023 là 5,5 tỷ đồng, nhích nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm 2023, dù không ghi nhận lợi nhuận trăm tỷ đồng như những công ty khác, Cấp nước Nhà Bè vần ghi nhận khoản lãi sau thuế tăng 22% so với năm trước lên hơn 25 tỷ đồng. Với kết quả này, kết thúc năm 2023, công ty đạt 101% kế hoạch doanh thu và 117% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong quý IV/2023, CTCP Cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco, mã: HWS) báo lãi sau thuế đạt gần 16 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Dù vậy, nhờ 3 quý trước đó gồng gánh về lợi nhuận, Huewwaco vẫn báo lãi sau thuế năm 2023 đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước, đồng thời vượt 2% kế hoạch năm là 124 tỷ đồng.
Hay như CTCP Cấp thoát nước Long An (LAW) báo lỗ sau thuế quý IV gần 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3 tỷ đồng, nhưng lũy kế cả năm 2023, công ty vẫn ghi nhận doanh thu đạt gần 278 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, tăng 8,9%. Như vậy, công ty vượt 7% chỉ tiêu doanh thu và gần 13% chỉ tiêu lợi nhuận năm
Mặc dù không vượt kế hoạch đề ra như nhiều doanh nghiệp trên nhưng “ông lớn” ngành nước là CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, mã: TDM) báo lãi sau thuế năm 2023 đạt 283 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2022.
Chiều ngược lại, “ông lớn” khác là CTCP - Tổng Công ty nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã: BWE) lãi sau thuế 2023 ước đạt 601 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2022 và thực hiện hơn 83% mục tiêu lợi nhuận năm (720 tỷ đồng) do chi phí tài chính tăng cao (chi phí lãi và chênh lệch tỷ giá).
Tuy nhiên, Biwase cho biết dù những biến động từ lãi suất, giá gây nhiều khó khăn nhưng lợi nhuận như trên nằm trong dự kiến và an toàn kinh doanh, cổ tức. Các công ty con, công ty Biwase Long An năm đầu tiên đã có lợi nhuận đáng phấn khởi; các công ty liên kết đều có lãi. Và với xu hướng kinh tế thế giới dần ổn định, tỷ giá USD cùng lãi suất của Mỹ giảm dần là yếu tố tốt cho năm 2024, công ty tăng cao hiệu quả kinh doanh.
Hấp dẫn nhưng không dễ đầu tư
Trên sàn chứng khoán, năm 2023, mặc dù không ghi nhận mức tăng quá lớn so với nhiều nhóm ngành khác, nhưng trong bối cảnh thị trường thiếu tính ổn định, một số cổ phiếu nhóm ngành nước như TDM, CTW (Cấp thoát nước Cần Thơ), DNW (Cấp nước Đồng Nai) vẫn đạt được mức tăng từ 20-25%.
Thực tế, ngành nước là ngành thiết yếu trong sinh hoạt và sản xuất. Kinh tế càng phát triển, tốc độ đô thị hóa càng cao, thì nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ ngày càng tăng.
Hơn nữa, khi nguồn nước ngầm, nước mặt đối diện nguy cơ ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm, nhu cầu sử dụng nước trong tự nhiên được thay thế bởi nguồn nước sạch do công ty cấp nước cung cấp sẽ giúp các doanh nghiệp này có triển vọng tăng trưởng doanh thu, ổn định lợi nhuận.
Mặt khác, việc sản phẩm nước làm ra được tiêu thụ ngay, hầu như không có tồn kho giúp các doanh nghiệp ngành này hoạt động hiệu quả với biên lợi nhuận cao hơn so với nhiều nhóm ngành sản xuất khác.
Do đó, bất chấp các thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát cao, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nước nhìn chung vẫn tăng trưởng ổn định, cổ phiếu vì thế được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chưa kể, cùng với làn sóng đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp ngành nước, triển vọng đối với cổ phiếu và doanh nghiệp trong ngành đang ngày càng được chú ý hơn trước.
Điều này một mặt đến từ việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn nhìn thấy sự hấp dẫn của ngành kinh doanh thiết yếu, có nhiều yếu tố mang tính độc quyền, triển vọng tăng trưởng sáng đã tích cực thâu tóm, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trong ngành, đẩy mạnh đầu tư tạo nên những doanh nghiệp quy mô lớn hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Các chuyên gia của Chứng khoán Dầu khí đánh giá ngành nước tiếp tục có triển vọng tích cực, nhu cầu sử dụng nước tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và khu du lịch cũng như giá nước sẽ tăng, do xu hướng dân số, đô thị hóa, FDI tăng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành những khoản đầu tư hấp dẫn, bởi việc cố định địa bàn hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ, chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng, phần nào kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tài chính quy mô vốn lớn, bên cạnh việc thanh khoản hạn chế do cổ đông hạn chế bán ra…
Cho nên, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành nước chủ yếu là nhà đầu tư có nền tảng, am hiểu thị trường và thường các doanh nghiệp nhà nước đã có cổ đông chi phối ngay sau khi cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược mới nếu muốn mua đủ cổ phần để chi phối doanh nghiệp.
Hải Giang