Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản của Indonesia năm 2023 đã tăng 11% lên 471.000 tỷ rupiah (30,3 tỷ USD), so với mức đầu tư 27 tỷ USD của năm 2022.
Trong khi đó, cơ cấu năng lượng tái tạo tiếp tục tăng nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra tới năm 2025.
Indonesia đặt mục tiêu năng lượng tái tạo đạt 23% vào năm 2025. Ảnh minh họa: TTXVN
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM), Arifin Tasrif, ngày 17/1 cho biết: “Lĩnh vực dầu khí vẫn chiếm ưu thế với mức đầu tư 15,6 tỷ USD, tiếp theo là ngành khoáng sản và than đá với mức 7,46 tỷ USD. Ngoài ra, ngành điện đạt 5,8 tỷ USD, trong khi lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo (EBT) đạt 1,5 tỷ USD”.
Tính đến cuối năm 2023, cơ cấu năng lượng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo của Indonesia đạt 13,1%, tương đương 238,1 triệu thùng dầu quy đổi (MBOE). Tuy nhiên, so với mục tiêu đạt 23% vào năm 2025, Indonesia xác định cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia đã đề ra một số biện pháp để thúc đẩy cơ cấu năng lượng tái tạo, như chuyển đổi các nhà máy điện diesel sang EBT và thực hiện chương trình pin Mặt Trời trên mái nhà, phấn đấu đạt công suất 3,6 GW vào năm 2025.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục thực hiện chương trình diesel sinh học B35 bắt buộc, cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ở những địa bàn xa xôi, thúc đẩy đồng đốt sinh khối trong các nhà máy điện chạy bằng than và tiến hành thăm dò địa nhiệt.
Công suất lắp đặt của các nhà máy điện EBT đã đạt 13.155 MW vào năm 2023 với công suất tiềm năng bổ sung là 539,52 MW. Thủy điện nổi lên là nguồn đóng góp lớn nhất với công suất 6.784,2 MW, tiếp theo là các nhà máy điện năng lượng sinh học (công suất 3.195,4 MW), nhà máy điện địa nhiệt (2.417,7 MW) và nhà máy điện Mặt Trời trên mái nhà (573,8 MW).
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia đặt mục tiêu tăng công suất nhà máy điện EBT lên 13.886 MW trong năm nay.
Đỗ Quyên