• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,97 -0,16/-0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,97   -0,16/-0,01%  |   HNX-INDEX   223,09   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   91,96   -0,10/-0,11%  |   VN30   1.301,06   +1,84/+0,14%  |   HNX30   474,27   -1,53/-0,32%
28 Tháng Mười Một 2024 4:27:10 SA - Mở cửa
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc biển vào năm 2045
Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp | 09/01/2024 8:22:55 SA

 Việt Nam cần có chính sách mở, nhất quán về khuyến khích hoạt động lấn biển; có thể chế đồng bộ, minh bạch theo tinh thần cân bằng giữa quản lý và kiến tạo trong lấn biển

Mới đây, chúng tôi có chuyến đi dài, đến nhiều nước trên thế giới để tìm hiểu nỗ lực phục hồi hậu Covid-19.

Trong chuyến đi, có một khía cạnh chúng tôi đặc biệt quan tâm, là cách các quốc gia có biển khai thác không gian ven bờ để phát triển kinh tế. Chẳng hạn năm 2023, ngành bất động sản UAE, mà chủ yếu từ các siêu dự án lấn biển đã mang lại cho riêng thành phố Dubai giá trị giao dịch lên đến gần 110 tỷ USD.

Vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng một triệu km², gấp ba lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. 28 tỉnh, thành phố có biển với đường bờ biển dài 3.260 km và 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Cách đây hơn 20 năm, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi lãnh đạo TP HCM khuyến khích ý tưởng tiến ra biển bằng cách đánh thức tiềm lực huyện Cần Giờ. Giáo sư David Pickus trong một bài viết trên Góc nhìn - Kho báu của Việt Nam cũng chia sẻ một quan điểm mà tôi hoàn toàn đồng tình: Biển là kho báu vô giá và người Việt cần hiểu hơn về biển để trong khi chung sống hài hòa với biển, vẫn có thể chủ động khai thác kho báu này.

Ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB)

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra mục tiêu: Tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc biển. Trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định về lấn biển; các tỉnh, thành phố đang gấp rút xây dựng và phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố... một câu hỏi lớn đặt ra là: Trước mắt và lâu dài, Việt Nam sẽ mở rộng không gian về phía biển như thế nào nếu không có quy hoạch bài bản, với tầm nhìn xa.

Kinh nghiệm của thế giới có thể mang đến cho Việt Nam một bức tranh tham khảo rộng lớn về hoạt động lấn biển.

Hoạt động này có từ rất sớm. Hà Lan bắt đầu từ thế kỷ 13. Nhật Bản từ thế kỷ 15. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, diện tích lấn biển của thế giới đã đạt tới 2.500 km2, tương đương diện tích của Luxemburg. Trung Quốc, Indonesia và UAE là các quốc gia dẫn đầu về diện tích lấn biển.

Con người lấn biển cho các mục đích cụ thể như mở rộng lãnh thổ (Singapore); xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế (Trung Quốc); phát triển thành phố tài chính (Colombo), thành phố giải trí, văn hóa (Philippines); thành phố thương mại quốc tế Eko Atlantic (Nigeria), hình thành các siêu dự án bất động sản như Palm Jumeirah, The World, Yas Island (UAE), Forest City (Malaysia); làm sân bay (Nhật Bản), công viên, trường đại học (Mỹ), cơ sở tôn giáo (Morocco), nông nghiệp (Hàn Quốc), bãi tắm biển riêng cho phụ nữ (Bahrain)...

Tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố đã và đang lấn biển nhiều gồm có Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Kiên Giang. Nhưng các địa phương này cũng đối mặt với nhiều bất cập, trong đó lớn nhất là vấn đề quy hoạch các dự án. Nhiều dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong khi địa phương chưa có quy hoạch chung về lấn biển. Hệ quả là địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, môi trường đều gặp rủi ro...

Tính đến hết năm 2023, 15/28 tỉnh, thành phố ven biển đã có Quy hoạch tỉnh, thành phố được công bố, nhưng chỉ có bốn tỉnh đề cập đến lấn biển là Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.

Tỉnh Thanh Hóa đề cập đến lấn biển nhưng để bảo vệ môi trường; tỉnh Sóc Trăng có quy hoạch lấn biển ở Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu; tỉnh Bến Tre có quy hoạch mở rộng ra biển 50.000 ha (500 km2) ở Thạch Phú, Ba Tri, Bình Đại; tỉnh Kiên Giang lấn biển ở An Minh, An Biên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải và Phú Quốc.

Ở quy mô quốc gia, việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động khảo sát tổng thể tất cả vùng biển có tiềm năng là điều rất cần thiết. Quá trình khảo sát, theo tôi, cần chú ý đánh giá điều kiện khí hậu thủy văn, tài nguyên ven biển, tác động môi trường, thủy triều, dòng hải lưu, kết nối sông suối, kết nối hạ tầng, các di sản và vùng đệm, sinh kế của người dân, khối lượng đào đắp, dự kiến cơ cấu sử dụng đất, sử dụng mặt nước, ước lượng giá trị của nền kinh tế biển...

Tiếp theo khảo sát là lập quy hoạch lấn biển quốc gia, trong đó tập trung tạo ra hạ tầng và sản phẩm xứng tầm như các đặc khu, thành phố kinh tế (mô hình Arab Saudi), thành phố thông minh của tương lai (mô hình City Brain của Trung Quốc, Đức), sân bay, cảng biển, khu mậu dịch tự do, khu công nghiệp, công nghệ cao, khu du lịch và các sản phẩm bất động sản độc đáo thu hút đầu tư nước ngoài, người nước ngoài giàu có, chuyên gia, người về hưu...

Việt Nam cũng cần có chính sách mở, nhất quán về khuyến khích hoạt động lấn biển; có thể chế đồng bộ, minh bạch theo tinh thần cân bằng giữa quản lý và kiến tạo trong lấn biển; luật hóa hoạt động lấn biển, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo (Ảnh Internet)

Toàn bộ quy trình này không thể thiếu việc nghiên cứu các phương pháp lấn biển tiên tiến trên thế giới của Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, UAE; phổ biến các phương pháp hiệu quả để áp dụng; xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới; nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát trong hoạt động lấn biển như New Sand (Cát mới) của Singapore. Việt Nam cần tích cực nhận chuyển giao công nghệ vật liệu mới phục vụ lấn biển; duy trì chính sách cấm xuất khẩu cát tự nhiên; có giải pháp kiểm soát tốt nạn cát tặc...

Quy hoạch lấn biển tổng thể cần được công khai, truyền thông về cả cơ hội và thách thức, để người dân hiểu hơn về biển, về tầm nhìn hướng ra biển.

Việt Nam cũng cần có chính sách mở, nhất quán về khuyến khích hoạt động lấn biển; có thể chế đồng bộ, minh bạch theo tinh thần cân bằng giữa quản lý và kiến tạo trong lấn biển; luật hóa hoạt động lấn biển, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo; khuyến khích xã hội hóa hoạt động lấn biển; quy định rõ các khu vực hạn chế; khu vực cấm lấn biển.

Với sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các nguồn lực cứng và mềm, mọi quốc gia trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Trung Đông, Ấn Độ, Anh, Mỹ và trên thế giới có biển đều hướng ra biển với tầm nhìn xa, chiến lược tham vọng về kinh tế, an ninh quốc phòng và hàng hải.

Nếu chậm được nghiên cứu thỏa đáng ở quy mô quốc gia, Việt Nam sẽ không tận dụng tốt không gian "mặt tiền" có giá trị kinh tế ngày càng cao này; và vì vậy, sẽ rất khó để đạt mục tiêu trở thành cường quốc biển vào năm 2045.

Đoàn Văn Bình