Theo WB, trong 7 năm qua, đầu tư tại các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã giảm ở mức trung bình.
Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Ngày 15/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc đảo ở Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm lại ở mức 3,6% trong năm nay, giảm so với mức 5,8% hồi năm 2023 trong bối cảnh những nước này phục hồi yếu sau đại dịch COVID-19 và Fiji, quốc gia đóng góp một nửa vào tăng trưởng của khu vực, đang tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Theo WB, tình trạng suy thoái dài hạn tại những quốc gia trên là do các khoản đầu tư suy giảm, rủi ro liên quan đến khí hậu gia tăng và những vấn đề về cấu trúc. Nếu không hành động ngay lập tức để tăng cường đầu tư, những nước này có thể sẽ phải nỗ lực để giảm nghèo và tạo ra các cơ hội mới liên quan đến kinh tế.
Cũng theo WB, trong 7 năm qua, đầu tư tại các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã giảm ở mức trung bình. Tăng trưởng về đầu tư tại 11 quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ ở mức khoảng 1% hàng năm trong thập kỷ này, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình 4,2% trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2019.
Ngân hàng trên cho biết thêm thiên tai đã gây thiệt hại ở mức trung bình 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm và nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương đang phải ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế sau những thảm họa thiên nhiên như lốc xoáy.
Trong khi một số quốc đảo nhỏ hơn phụ thuộc vào du lịch tăng trưởng mạnh thì Fiji dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 3% trong năm 2024. Nợ công của nước này ở mức 79% GDP trong năm 2024, là một trong những mức cao nhất của khu vực và cao hơn 1/3 so với mức trước đại dịch COVID-19.
Để thúc đẩy tăng trưởng của các quốc đảo ở Thái Bình Dương, WB cho hay bên cạnh việc đầu tư vào du lịch bền vững và nông nghiệp, những nước này cần đầu tư vào các cảng, hàng hải và kết nối kỹ thuật số.
Văn Khoa-Link gốc