Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 16/10 đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông- Bắc Phi (MENA) do tác động tiêu cực từ sự bất ổn trong khu vực.
Bên trong một nhà máy sản xuất máy giặt ở Ramadan, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù kinh tế của khu vực vùng Vịnh đang trên đà tăng trưởng khá nhờ các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế khu vực MENA, WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực MENA trong năm nay sẽ tăng trưởng 2,2%, thấp hơn mức dự báo tăng 2,7% do định chế tài chính đa phương toàn cầu này đưa ra vào tháng 4/2024.
Theo WB, khu vực vùng Vịnh dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,9% trong năm nay, so với mức tăng 0,5% của năm 2023. WB cho rằng tăng trưởng kinh tế ở phần còn lại của MENA dự kiến sẽ giảm tốc, với mức dự báo tăng của các nước nhập khẩu dầu trong khu vực sẽ giảm xuống 2,1% trong năm nay, từ mức 3,2% năm 2023.
Trong khi đó, tăng trưởng của các nước xuất khẩu dầu không phải thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ giảm từ 3,2% năm 2023 xuống còn 2,7% năm 2024. Lạm phát trong khu vực MENA nhìn chung đang dịu dần và dự kiến sẽ giảm xuống 2,2% trong năm nay.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực MENA, ông Ousmane Dione, đánh giá rằng các cuộc xung đột ngày càng diễn biến phức tạp ở Trung Đông đang gây ra những tác động sâu sắc.
Ông nhấn mạnh: "Mặc dù cái giá phải trả của xung đột vượt xa những gì mà các chỉ số kinh tế có thể đo lường được, nhưng chúng dẫn đến những thiệt hại kinh tế ngay lập tức và có thể gây ra những tác động bất lợi lâu dài đối với sự phát triển. Những thiệt hại đó xuất phát từ tổn thất về vốn nhân lực, tình trạng di dời bắt buộc, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và các hình thức tàn phá kinh tế khác nhau, bao gồm cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng".
Trong khi chiến sự khiến nền kinh tế của dải Gaza gần như tê liệt hoàn toàn, các nước láng giềng tiếp tục bị ảnh hưởng. Jordan (Gioóc-đa-ni) chứng kiến lượng khách du lịch quốc tế giảm 6,6% trong tháng 8/2024, trong khi doanh thu từ kênh đào Suez của Ai Cập giảm 62% trong nửa đầu năm nay. Còn tại Liban (Li-băng), căng thẳng leo thang đang gây ra "thiệt hại về người và kinh tế", mặc dù toàn bộ mức độ ảnh hưởng sẽ được định hình bởi quỹ đạo tương lai của cuộc xung đột.
WB cho hay việc tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng của khu vực MENA cũng phần nào phản ánh việc gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Giá dầu vào cuối năm dự kiến sẽ thấp hơn, ở mức 81 USD/thùng, so với 83 USD/thùng của năm ngoái.
Giá dầu đã tăng lên 88 USD/thùng trong tháng 4/2204 do căng thẳng leo thang trong khu vực trước khi đi xuống. Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,36 USD/thùng vào lúc 5giờ 42 phút chiều 16/10 theo giờ UAE, trong khi giá dầu WTI ghi nhận mức 70,60 USD/thùng.
Nguyễn Trường-Link gốc