Hãng xe Đức Mercedes-Benz một lần nữa khẳng định lập trường phản đối kế hoạch áp thuế quan lên xe điện Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU)
Biểu tượng của hãng Mercedes-Benz thuộc tập đoàn Daimler tại Stuttgart, Đức. Ảnh: EPA/TTXVN
Đồng thời kêu gọi trì hoãn việc thực hiện biện pháp gây tranh cãi này để tránh gây tổn hại đến lợi ích của cả hai bên.
Trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức ngày 21/10, Giám đốc điều hành (CEO) Ola Källenius của Mercedes-Benz cho rằng: "Chúng ta cần thương mại tự do hơn, chứ không phải thêm rào cản”.
Ông nhấn mạnh các mức thuế quan được đề xuất sẽ không giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của EU, một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi thành công và tăng trưởng kinh tế dài hạn của khối này.
Khi thời hạn áp dụng thuế quan đang đến gần, ông Källenius kêu gọi EU tìm kiếm một giải pháp cân bằng, có lợi cho cả hai phía. Ông nhấn mạnh rằng việc đàm phán cần có thời gian và kêu gọi EU kéo dài các cuộc thảo luận để tránh leo thang tranh chấp.
Ngành công nghiệp ô tô và Chính phủ liên bang Đức đều chia sẻ mối quan ngại của Mercedes-Benz. Cả hai đã lên tiếng phản đối các biện pháp thuế quan bảo hộ, cảnh báo rằng những biện pháp như vậy có thể châm ngòi cho một vòng xoáy áp dụng thuế quan lẫn nhau hoặc thậm chí là một cuộc chiến thương mại, cuối cùng đe dọa đến chính lợi ích kinh tế của EU.
Hồi đầu tháng 10/2024, EU đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc. Tại cuộc bỏ phiếu, đa số các nước thành viên EU chấp thuận kế hoạch áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc. Chỉ có Đức, cường quốc ô tô của EU, và Hungary bỏ phiếu chống. Trước đó, chính phủ và các nhà sản xuất ô tô của Đức đã nhiều lần bày tỏ quan ngại bất đồng thương mại với Trung Quốc có thể gây tổn hại đến ngành sản xuất ô tô của nước này.
Dự kiến, quyết định áp thuế sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/10 tới. Theo EU, nếu được áp dụng, mức thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ là 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với ô tô của Geely và 35,3% đối với ô tô của SAIC thuộc sở hữu nhà nước.
Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu. Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.
Quyết định của EU trong việc áp thuế xe điện Trung Quốc gây ra nhiều tranh cãi. Theo một bài bình luận trên hãng tin Bloomberg, đây là một "bước đi sai lầm" có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế này.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc áp thuế sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả với chính nền kinh tế EU.
Cụ thể, thuế quan mới có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện tại châu Âu, mâu thuẫn với mục tiêu giảm phát thải carbon của khối. Việc bảo hộ thị trường nội địa có thể làm giảm áp lực cạnh tranh, khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu trở nên trì trệ và ít đầu tư vào công nghệ mới.
Các biện pháp bảo hộ thương mại của EU có thể dẫn đến phản ứng tương tự từ phía Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bên và gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu, bởi thực tế các nhà sản xuất châu Âu vẫn cần tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng là Trung Quốc.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như chi phí sản xuất cao, chậm đổi mới, quy định về khí thải khắt khe và việc tiếp cận vốn đầu tư cho các dự án phát triển xe điện còn nhiều hạn chế.
MG Motor, BYD và các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc cho biết sẽ duy trì mức giá niêm yết thấp ở EU ngay cả sau khi bị áp thuế cao trong tháng này.
MG, thương hiệu xe điện Trung Quốc bán chạy nhất ở châu Âu, cho biết sẽ đảm bảo giá đến cuối năm 2024, khi đã tích trữ xe trước khi thuế có hiệu lực. MG, một biểu tượng của nền công nghiệp ô tô Anh, hiện là công ty con của Shanghai SAIC, phải chịu mức thuế 35,3% của EU.
Phó Chủ tịch của MG Motor France, Julien Robert, cho biết, giá trên thị trường ô tô đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng mong muốn của hãng là cung cấp những chiếc xe ứng dụng công nghệ, an toàn và ít gây ô nhiễm môi trường cho người lái xe ở Pháp vẫn không thay đổi.
BYD đang mở hàng trăm đại lý trên khắp châu Âu và đang triển khai các chương trình giảm giá cho các mẫu sedan và xe thể thao đa dụng (SUV) của mình.
Theo nhà tư vấn Sebastien Amichi tại Kearney, các công ty Trung Quốc có thể tránh được việc tăng giá trong vòng 2 đến 3 năm, đặc biệt nếu họ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.
Ông cho biết, doanh số bán xe của Trung Quốc ở châu Âu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 300.000 chiếc vào năm 2024 trên tổng số 15 triệu xe trên thị trường, và do đó dễ dàng được trợ cấp.
Theo số liệu năm 2023 của công ty dữ liệu JATO Dynamics, giá xe điện trung bình ở Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với ở châu Âu và Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô của nước này được hưởng một loạt lợi thế về chi phí, từ việc tiếp cận nguyên liệu thô và pin trong nước đến các khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ Trung Quốc.
Giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện chạy pin ở Trung Quốc vào khoảng 32.000 euro (35.126,40 USD) trong nửa đầu năm 2023, bao gồm cả các mẫu xe như Seagull của BYD được bán với giá dưới 10.000 euro.
Ngược lại, theo dữ liệu của JATO, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện chạy pin ở châu Âu là 66.000 euro. Hầu hết các mẫu xe giá rẻ hơn đang được phát triển, ở mức khoảng 20.000 euro, sẽ không được tung ra thị trường cho đến ít nhất là năm 2025, trong đó Volkswagen đặt mục tiêu sản xuất xe có giá 20.000 euro vào năm 2027.
Link gốc