Thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á - Indonesia cho rằng mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá đáng kể của Temu là "sự cạnh tranh không lành mạnh".
Những ngày qua Temu đã tạo nên một cơn sốt tại Việt Nam khi thu hút sự quan tâm lớn trong dư luận. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các đường link liên kết tải về ứng dụng này, kêu gọi “bạn bè” cùng tải về để nhận hoa hồng. Hình thức tiếp thị liên kết với hoa hồng cao - 150.000 đồng cho mỗi lượt giới thiệu thành công, đang khiến cho Temu trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến có sức nóng chưa từng có trong lịch sử "chào sân" của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.
Cụ thể, hồi đầu tháng 10, Indonesia đã yêu cầu Google và Apple chặn Temu trên Appstore, CH Play để ứng dụng không thể được tải xuống tại quốc gia này.
Ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Indonesia trả lời Reuters rằng động thái này nhằm mục đích bảo vệ trước các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này khỏi các sản phẩm giá rẻ do Temu cung cấp, mặc dù chính quyền vẫn chưa phát hiện bất kỳ giao dịch nào của cư dân trên nền tảng này.
Ông Budi cho biết mô hình kinh doanh của Temu kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá đáng kể. Điều này là "sự cạnh tranh không lành mạnh".
"Chúng tôi không ở đây để bảo vệ thương mại điện tử, mà chúng tôi bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có hàng triệu doanh nghiệp mà chúng tôi phải bảo vệ", Bộ trưởng cho biết.
Ông Budi cho biết Indonesia cũng sẽ chặn mọi khoản đầu tư của Temu vào các doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương. Năm ngoái, Indonesia đã buộc TikTok phải đóng cửa dịch vụ thương mại điện tử tại nước này để bảo vệ dữ liệu của người dùng và các thương gia địa phương. Vài tháng sau, TikTok đã đồng ý mua phần lớn cổ phần tảng thương mại điện tử GoTo của tập đoàn công nghệ Indonesia để tiếp tục hoạt động tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, trước những lo ngại về sức ép hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thông qua con đường thương mại điện tử, cũng như các kênh truyền thống có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời báo chí cho biết, hàng hóa nói chung khi vào Việt Nam đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng sản xuất trong nước.
Với thực trạng hàng hóa trên thương mại điện có giá rất thấp, cần bình tĩnh đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.
“Khi đó sẽ tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Đỗ Kiều-Link gốc