Thị trường lao động Nhật Bản tiếp tục thắt chặt trong tháng 9/2024, gây áp lực phải tăng lương lên các doanh nghiệp.
Sinh viên đại học tham gia hội chợ việc làm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Thị trường lao động Nhật Bản tiếp tục thắt chặt trong tháng 9/2024, gây áp lực phải tăng lương lên các doanh nghiệp khi cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sắp diễn ra trong tuần này.
Bộ Lao động Nhật Bản hôm 29/10 đã công bố tỷ lệ việc làm trên số người xin việc đã tăng từ mức 1,23 hồi tháng Tám lên 1,24 trong tháng vừa qua. Tỷ lệ này nghĩa là cứ 100 người xin việc thì có 124 việc làm được đăng tuyển. Các nhà kinh tế trước đó dự đoán con số trên sẽ giữ nguyên ở mức 1,23.
Một báo cáo khác ra cùng ngày từ Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống 2,4% trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024. Số người có việc làm tăng 270.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số người thất nghiệp giảm 90.000 người.
Thị trường lao động thắt chặt là một tín hiệu tích cực cho BoJ khi ngân hàng này chuẩn bị cho cuộc họp chính sẽ sách kết thúc vào thứ Năm (31/10). Nhu cầu lao động cao sẽ buộc các doanh nghiệp tăng lương để giữ chân nhân viên, giúp thúc đẩy vòng tuần hoàn tích cực giữa giá cả và tiền lương - một mục tiêu mà BoJ đang hướng đến khi cân nhắc đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới hoặc tháng 1/2025, nhưng họ nhìn chung đồng ý rằng BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp ngày 31/10. Thống đốc Kazuo Ueda tuần trước cho biết Ngân hàng trung ương của Nhật Bản có thời gian để cân nhắc các bước chính sách tiếp theo, báo hiệu khả năng không tăng lãi suất trong tháng 10 ngay cả khi đồng yen giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng.
Những con số tích cực này được công bố sau khi Thủ tướng Shigeru Ishiba và đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm Chủ nhật (27/10). Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Ishiba cho biết cần triển khai một gói hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ và xây dựng ngân sách bổ sung. Các biện pháp sẽ bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lương, cũng như áp dụng công nghệ nhằm tiết kiệm sức lao động.
Thị trường việc làm vững chắc cũng sẽ tác động tích cực đến các cuộc đàm phán lương cho năm tới bắt đầu từ đầu tháng này. Liên đoàn lao động lớn nhất Nhật Bản, Rengo tuyên bố sẽ đặt mục tiêu tăng lương ít nhất 5% trong các cuộc đàm phán sắp tới, giữ nguyên mục tiêu như năm 2024. Trước đó, Rengo đã đạt được thỏa thuận về mức tăng lương 5,1% cho năm nay, đánh dấu mức tăng cao nhất 33 năm qua.
Hương Thủy-Link gốc