• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 9:26:58 SA - Mở cửa
Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận nhờ tối ưu hóa dịch vụ
Nguồn tin: Vietnam+ | 01/11/2024 10:37:11 SA

Nhiều ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay nhờ mở rộng tín dụng, dịch vụ ngân hàng số và hiệu quả từ cắt giảm chi phí. Dù đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, các ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định nhờ tối ưu hóa dịch vụ, quản lý rủi ro và đáp ứng tốt nhu cầu tài chính cá nhân và doanh nghiệp.

Sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng

Đến ngày 29/10, khoảng 11 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 và 9 tháng năm 2024 cho thấy rõ sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng lớn và nhỏ, phản ánh những khác biệt về quy mô vốn, chiến lược tăng trưởng và khả năng đầu tư vào công nghệ.

LPBank cũng đạt được thành tích đáng kể khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 gần 2.900 tỷ đồng. Ảnh: NH

Cụ thể, các ngân hàng lớn như Techcombank, ACB và LPBank ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng.

Hiện Techcombank đang dẫn đầu thị trường với lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt hơn 7.170 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (5.800 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng, ngân hàng này đạt 22.800 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái (17.100 tỷ đồng).

Thành tựu này của Techcombank đến từ chiến lược đẩy mạnh số hóa và mảng tín dụng bán lẻ, bao gồm các khoản vay mua nhà và vay tiêu dùng. Với hơn 1,5 tỷ giao dịch điện tử chỉ trong nửa đầu năm 2024 (tăng gần 57% so với năm trước), Techcombank đã tối ưu hóa chi phí và tăng lợi nhuận nhờ khả năng cung cấp các dịch vụ tiện ích cao.

Ngoài ra, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của Techcombank đạt 37,4%, giúp giảm đáng kể chi phí vốn, từ đó gia tăng biên lợi nhuận. “Với CASA cao, chúng tôi có thể duy trì biên lợi nhuận ổn định và cung cấp các dịch vụ thuận tiện hơn cho khách hàng”, đại diện Techcombank chia sẻ.

ACB đứng thứ hai với lợi nhuận trước thuế quý 3 hơn 4.800 tỷ đồng, dù giảm 4% so với cùng kỳ năm trước (5.000 tỷ đồng), nhưng lũy kế 9 tháng vẫn tăng trưởng nhẹ với 15.300 tỷ đồng, tăng 2% (15.000 tỷ đồng). Để được kết quả này, ACB tập trung vào phát triển các sản phẩm bán lẻ và tín dụng, giúp mở rộng tệp khách hàng.

LPBank cũng đạt được thành tích đáng kể khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 gần 2.900 tỷ đồng, tăng 134% (1.240 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng đạt 8.800 tỷ đồng, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm ngoái (3.680 tỷ đồng). Đầu tư vào số hóa và các sản phẩm tài chính cá nhân đã góp phần tạo nên tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ cho LPBank.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tầm trung lại ghi nhận có sự tăng trưởng không đồng đều, dù mức tăng trưởng tích cực nhưng sự phân hóa vẫn rõ ràng. Cụ thể, ngân hàng VIB vốn có tỷ trọng bán lẻ cao, đạt gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3, nhưng giảm 26% so với cùng kỳ (2.680 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ (8.300 tỷ đồng).

Techcombank đang dẫn đầu thị trường với lợi nhuận trước thuế quý 3/2024 đạt hơn 7.170 tỷ đồng. Ảnh: NH

Ngược lại, SeABank có kết quả tích cực hơn với lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 11% (1.140 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái (3.150 tỷ đồng). SeABank cho biết, việc đầu tư vào dịch vụ số hóa đã tạo ra những trải nghiệm khách hàng thuận tiện, giúp mở rộng giao dịch và giữ chân khách hàng hiệu quả hơn.

Eximbank cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao với 904 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 3, tăng 194% so với năm ngoái (307 tỷ đồng), nhưng lũy kế 9 tháng đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 39% (1.700 tỷ đồng). Tuy nhiên, Eximbank vẫn đối mặt với áp lực duy trì tăng trưởng do thiếu nguồn lực và sức cạnh tranh từ các ngân hàng lớn hơn.

So với các các ngân hàng lớn và tầm trung, các ngân hàng nhỏ gặp nhiều thác thức về vốn và cạnh tranh hơn, cụ thể như KienlongBank, PGBank, SaigonBank, BVBank và BaoVietBank gặp nhiều khó khăn hơn. Trong đó, KienlongBank đạt 209 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 3, giảm 12% so với cùng kỳ (237 tỷ đồng), nhưng lũy kế 9 tháng vẫn tăng nhẹ 19%, đạt 761 tỷ đồng.

BVBank có sự cải thiện, đạt 30 tỷ đồng trong quý 3, tăng 36% so với năm trước (22 tỷ đồng) và lũy kế 9 tháng đạt 182 tỷ đồng, tăng 194% so với cùng kỳ (62 tỷ đồng). Tuy nhiên, BaoVietBank báo cáo lợi nhuận thấp nhất, chỉ 6 tỷ đồng trong quý 3, giảm 33% so với năm trước và lũy kế 9 tháng đạt 32 tỷ đồng, giảm 6% (34 tỷ đồng).

Việc thiếu vốn đầu tư vào công nghệ và phải đối mặt với chi phí dự phòng cao là những yếu tố khiến các ngân hàng nhỏ này khó giữ đà tăng trưởng. Đại diện một ngân hàng nhỏ chia sẻ: “Chi phí dự phòng cao và sức ép từ các ngân hàng lớn khiến chúng tôi khó cạnh tranh hiệu quả. Chúng tôi cần nguồn lực mạnh mẽ hơn để mở rộng các kênh số và thu hút thêm khách hàng”.

Triển vọng lợi nhuận cuối năm

Dự báo về lợi nhuận ngành ngân hàng cho cả năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng ngành sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định không chỉ trong giai đoạn cuối năm mà còn kéo dài sang 2025. Điều này hỗ trợ bởi ba yếu tố chính: Tăng trưởng tín dụng, lãi suất thấp và áp lực nợ xấu giảm.

Vietcombank đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ để gia tăng lợi nhuận ngân hàng. Ảnh: N.H

Có thể thấy, ngay từ đầu năm, tín dụng đã gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm, dẫn đến việc NHNN triển khai các biện pháp thúc đẩy như nới room tín dụng, đưa ra gói vay ưu đãi và khuyến khích các ngân hàng tập trung giải ngân vào quý cuối. Tính đến hết 30/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 9%.

Theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là khả thi. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, như nhu cầu tiêu dùng tăng và sự phục hồi của các ngành sản xuất, bất động sản và xuất khẩu.

Đánh giá từ VCBS cũng cho thấy, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng nhờ các khoản cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay mua nhà, cũng như sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu. VPBankS cũng dự đoán FDI, tiêu dùng và các lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy tín dụng trong nửa cuối năm, nhờ nền lãi suất huy động thấp.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận là chi phí vốn, với lãi suất huy động giữ vai trò chính trong việc điều chỉnh biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng. Theo dự báo từ MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm, dao động từ 5,1% đến 5,2% vào cuối năm. Xu hướng giữ lãi suất ổn định sẽ tạo điều kiện tốt để các ngân hàng kiểm soát chi phí vốn và giữ vững lợi nhuận trong các tháng cuối năm.

Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đã giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh minh họa: N.H

Ngoài ra, áp lực nợ xấu trong nửa cuối năm 2024 được đánh giá là không lớn, do các giải pháp hỗ trợ từ NHNN và sự phục hồi kinh tế. Theo thống kê sơ bộ của NHNN, dư nợ tại các khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai vào tháng 9/2024 là khoảng 116.000 tỷ đồng, nhưng với chính sách giãn nợ, áp lực nợ xấu dự kiến sẽ được giảm nhẹ. VCBS cho rằng, nợ xấu từ các tỉnh bị ảnh hưởng sẽ ở mức thấp và có thể được xử lý vào năm sau, do đó không ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận năm nay.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh: "NHNN cam kết duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn, từ đó hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”.

Mặc dù ngành ngân hàng đang đứng trước triển vọng lợi nhuận tích cực, các ngân hàng nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi không có lợi thế về quy mô vốn và cấu trúc vốn kém linh hoạt; phải cạnh tranh mạnh hơn trong việc huy động vốn và duy trì lãi suất ưu đãi để thu hút khách hàng, điều này tạo sức ép lớn lên biên lợi nhuận.

Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể giữ vững đà tăng trưởng, tìm cơ hội từ thách thức, các ngân hàng lớn và nhỏ đều phải tìm cách tận dụng chính sách hỗ trợ từ NHNN, tối ưu hóa hoạt động và linh hoạt trong chiến lược để đảm bảo phát triển lợi nhuận một cách bền vững từ nay đến cuối năm 2024 và cả năm 2025.

Hải Yên/Báo Tin tức

Link gốc