Ấn Độ có thể chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump (Trump 2.0) với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, theo báo cáo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã thực hiện những thay đổi toàn diện về quy định nhằm thu hút đầu tư trở lại Hoa Kỳ. Điều này đã tác động đến dòng vốn FDI trên toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ.
Ấn Độ đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mỗi năm.
Nếu các chính sách tương tự được tái áp dụng trong Trump 2.0, có thể tạo ra thách thức cho các thị trường mới nổi như Ấn Độ, vốn phụ thuộc vào FDI như một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng Ấn Độ đã dần đa dạng hóa các nguồn FDI của mình và xu hướng này có thể đóng vai trò như một vùng đệm chống lại bất kỳ sự suy giảm tiềm ẩn nào.
"Ấn Độ không còn phụ thuộc vào các nguồn vốn FDI truyền thống nữa, không giống như quá khứ gần đây, FDI hiện đang đổ vào nhiều lĩnh vực mới", báo cáo cho biết
Ấn Độ hiện đang thu hút đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp, bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải biển, thiết bị y tế và dụng cụ phẫu thuật. Báo cáo chỉ ra có tới 12 lĩnh vực mới nổi, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của FDI có thể giúp bù đắp bất kỳ khoản mất mát nào về dòng vốn trong các lĩnh vực thông thường nếu có sự thay đổi trong mô hình đầu tư toàn cầu dưới thời chính quyền Trump.
Báo cáo cũng đề cập rằng Trump 2.0 cũng sẽ mang đến cho Ấn Độ nhiều thách thức và cơ hội.
Trong ngắn hạn, khả năng tăng thuế quan của Hoa Kỳ, chính sách thị thực H-1B hạn chế hơn và đồng USD mạnh hơn có thể mang lại một số biến động cho bối cảnh thương mại và đầu tư của Ấn Độ.
Tuy nhiên, về lâu dài, những thách thức này cũng có thể khuyến khích Ấn Độ mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tập trung vào việc tự chủ hơn về mặt kinh tế.
Đáng chú ý, Ấn Độ vẫn duy trì thặng dư thương mại hàng hóa với Hoa Kỳ mặc dù có thuế quan áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Điều này cho thấy xuất khẩu của Ấn Độ vẫn duy trì được khả năng phục hồi và có tiềm năng tăng cường mối quan hệ thương mại này hơn nữa bằng cách tận dụng các lĩnh vực mới nổi và giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống. Trong những tháng tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính sách của Hoa Kỳ.
Ấn Độ - nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới được biết đến là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam trong thu hút FDI. Cả hai quốc gia đều đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 5 năm qua (tính đến tháng 3/2023), Ấn Độ thu hút trung bình hơn 70 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Bất chấp nguồn vốn sụt giảm năm ngoái do những bất ổn toàn cầu và nhiều yếu tố khác, quốc gia này đặt mục tiêu thu hút trung bình 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn tới. Hiện nhiều ông lớn công nghệ như Apple và Samsung đã đẩy mạnh sản xuất ở Ấn Độ, tận dụng các ưu đãi của Chính phủ đưa ra.
Đỗ Kiều theo The Economic Times
Link gốc