Có thể khẳng định 2024 là năm thành công của “những viên gạch”, khi kết nạp thêm 4 thành viên, giúp BRICS không chỉ gia tăng về quy mô mà còn nâng cao sức mạnh kinh tế và chính trị.
Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh: IRNA/TTXVN
Việc mở rộng thêm thành viên đã đưa khối trở thành “thỏi nam châm” hút các nước với tư cách là người chơi chính trong quản trị toàn cầu, tiếp tục khẳng định tính tất yếu của xu thế hợp tác đa phương, tăng cường tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển đối với các vấn đề chung của thế giới.
Từ 5 nước “đời đầu” gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hiện BRICS có thêm 4 thành viên là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), chưa kể khoảng 30 quốc gia rất quan tâm tới việc gia nhập BRICS, trong đó hơn 10 nước đã được chấp thuận là đối tác. Đáng lưu ý một số đối tác hiện nay là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan. Việc có tới 20.000 đại biểu, đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, cùng các lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự hội nghị cấp cao đầu tiên của BRICS theo định dạng mới tại Kazan (Nga) hồi tháng 10 vừa qua cũng là minh chứng rõ nét cho thấy “lực hấp dẫn” của BRICS đối với thế giới, giúp “những viên gạch” có thêm những liên kết mới, trở thành khối lớn hơn, vững chắc hơn, có ảnh hưởng hơn, góp phần định hình hơn nữa kiến trúc tương lai của toàn thế giới, trái ngược hoàn toàn với cảnh báo nguy cơ “chết yểu” khi mới ra đời cách đây 15 năm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Phi, Giáo sư Christopher Isike, Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Đại học Pretoria, đánh giá BRICS “đang trở thành một khối rất quan trọng, một khối kinh tế hoặc khối địa chính trị trong các vấn đề thế giới”. Cùng quan điểm, ông Anton Bredikhin, chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga nhấn mạnh BRICS đã thay đổi định dạng, nếu như trước đây khối này là câu lạc bộ của các nước hàng đầu khu vực, thì nay "BRICS+ là nền tảng nơi lãnh đạo các nước, không thể nói là thay thế, nhưng không phải thế giới phương Tây, gặp nhau". Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Bredikhin cho rằng thông qua việc mở rộng, thông qua sự tham gia của ngày càng nhiều nước mới, BRICS đang từng bước trở thành một giải pháp thay thế cho các tổ chức lớn.
Trên thực tế, hiện BRICS đã lấn át Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), cả về mặt nhân khẩu học (với gần 46% dân số thế giới, gấp hơn 5 lần so với 8,8% của G7) và kinh tế, chiếm hơn 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, so với 30% của G7. Về tăng trưởng, GDP trung bình của BRICS năm nay được dự báo đạt khoảng 3,6%, cao hơn nhiều so với mức 1% của G7. Thậm chí, nếu so với Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sức mạnh kinh tế của BRICS cũng không thua kém là bao. Cụ thể, trong khi quy mô GDP của G20 chiếm 43%, thì con số này của BRICS là hơn 35%, và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm do sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế thành viên BRICS. Hơn nữa, với việc Iran và UAE gia nhập, cùng các đối tác sản xuất dầu mỏ Brazil và Nga, BRICS+ hiện chiếm khoảng 40% sản lượng và xuất khẩu dầu thô thế giới, đồng nghĩa với sức mạnh trong các cuộc thương lượng quốc tế về năng lượng được củng cố. Rõ ràng, việc kết nạp thêm thành viên tỷ lệ thuận với sự lớn mạnh của BRICS về tiềm lực kinh tế, đưa khối trở thành nguồn tăng trưởng toàn cầu quan trọng nhất trong tương lai.
Việc mở rộng BRICS còn mang lại nhiều cơ hội chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của BRICS trên trường quốc tế, cũng như tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các thành viên mới còn có thể mang lại nguồn lực và thị trường tiêu thụ lớn, giúp giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một số ít quốc gia hoặc khu vực. Đây cũng chính là cơ sở để Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhận định lạc quan rằng “BRICS sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai và vượt qua các nước phát triển nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh”. Do đó, tại Hội nghị cấp cao ở Kazan, các nhà lãnh đạo BRICS đã cam kết tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, củng cố hợp tác kinh tế và nỗ lực, hướng tới đảm bảo phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.
Không chỉ tác động về kinh tế, việc mở rộng BRICS còn phản ánh chiến lược dài hạn nhằm củng cố vị thế của khối trên trường quốc tế, thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tạo ra một diễn đàn cho các nước Nam Bán cầu thể hiện tiếng nói và lợi ích của mình trong hệ thống quốc tế, từ đó thúc đẩy việc định hình bản đồ thế giới đa cực hơn, công bằng hơn. Như nhận định của Phó Giáo sư khoa Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính tại Trường Kinh tế cao cấp Nga Andrey Stolyarov, tăng trưởng kinh tế “mang tới cơ hội để các nước BRICS hành động độc lập hơn, mà không cần e ngại về quan điểm từ các quốc gia phương Tây”. Chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển công bằng và an ninh toàn cầu" mà nước chủ nhà Nga lựa chọn cho hội nghị cấp cao đầu tiên với định dạng mới của BRICS đã phản ánh quan điểm đó. Chính mục tiêu chung này đã giúp các nước gạt sang một bên những khác biệt về quan điểm chính trị, cùng nhất trí cao ủng hộ cải cách LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an. Điều này cho thấy BRICS đang nỗ lực rất lớn nâng cao tính đại diện và hiệu quả của hệ thống quản trị toàn cầu.
Trong bối cảnh những biến động, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Trung Đông, châu Phi và cạnh tranh chiến lược vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày một lan rộng hơn, việc BRICS kết nạp thêm các nước ở Trung Đông, Bắc Phi được cho sẽ củng cố khối vững chắc để giảm thiểu áp lực từ các lệnh trừng phạt và chính sách đơn phương của phương Tây. Điều này đồng nghĩa với việc BRICS không chỉ là một khối kinh tế mà còn là một liên minh chính trị giúp bảo vệ lợi ích của các thành viên. Sự gắn kết của BRICS cũng sẽ tỷ lệ thuận với việc nâng cao tiếng nói của các nước thành viên, đặc biệt là các nước Nam Bán cầu, tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển tham gia vào quá trình định hình chính sách toàn cầu, giảm sự chi phối của các cường quốc phương Tây, góp phần vào việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Đánh giá về vai trò của BRICS mở rộng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định:"BRICS đại diện cho một tiếng nói mạnh mẽ cho các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác đa phương và hỗ trợ những nỗ lực cải cách trong các tổ chức quốc tế."
Dẫu vậy, việc mở rộng BRICS cũng có không ít thách thức. Khi các nước thành viên và các ứng cử viên gia nhập có động cơ và mục tiêu khác nhau, bản thân các nước thành viên cũng vẫn tồn tại mâu thuẫn, như căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, BRICS sẽ phải giải quyết “bài toán” hài hòa tầm nhìn và lợi ích nhằm không ảnh hưởng đến tính đồng thuận trong khối. Một BRICS lớn mạnh và nâng tầm ảnh hưởng chắc chắn cũng sẽ là “cái gai” trong mắt phương Tây. Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", Tổng thống đắc cử Donald Trump đã không ngần ngại đe dọa áp thuế quan 100% đối với BRICS nếu các nước thành viên tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác có thể thay thế USD. Lời đe dọa này tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và khối, có thể dẫn đến những thay đổi trong chiến lược thương mại của các nước thành viên, trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ.
Dù BRICS tỏ ra khá kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu phi USD hóa đã đặt ra, song động thái đe dọa của ông Trump đang trở thành “phép thử” đối với sự gắn kết và mục tiêu trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống đa phương toàn cầu. Điều này cũng cho thấy một thực tế dù thế giới có biến động thế nào, thì hợp tác chặt chẽ và khả năng thích ứng chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của BRICS trong tương lai. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Chúng ta cần kiên trì theo định hướng phát triển hòa bình và cùng nhau tìm kiếm sự phát triển chung". Chỉ như vậy, sự liên kết của “những viên gạch” mới thật sự vững chắc và bền chặt để đương đầu với những thách thức.
Ngọc Hà (TTXVN)
Link gốc