Trong nhiều thập kỷ, đồng euro thường mạnh hơn đồng USD, khiến du khách tốn kém hơn khi mua hàng hóa và dịch vụ bằng đồng tiền chung châu Âu.
Đồng euro tại một ngân hàng ở Heidelberg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà kinh tế nhận định đồng euro đã suy giảm so với USD trong những tuần gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025. Tình hình đó có thể kéo dài đến năm 2026.
Theo ông Brendan McKenna, chuyên gia kinh tế quốc tế tại bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng Wells Fargo, điều này có lợi cho người Mỹ khi du lịch châu Âu vì sức mua của họ có thể tăng đáng kể.
Trong nhiều thập kỷ, đồng euro thường mạnh hơn đồng USD, khiến du khách tốn kém hơn khi mua hàng hóa và dịch vụ bằng đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, các chính sách dự kiến dưới thời chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự đoán sẽ củng cố đồng USD và làm giảm giá trị đồng euro.
Các nhà kinh tế dự báo đồng euro sẽ giảm xuống mức ngang giá hoặc thậm chí thấp hơn so với USD vào năm tới, tức tỷ giá hối đoái 1 euro đổi 1 USD. Lần gần đây nhất đồng tiền này đạt mức ngang giá với USD là vào năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên điều này xảy ra sau hai thập kỷ.
Hiện tại, khả năng đồng euro ngang giá với USD đang trở lại. Theo ghi nhận của ông James Reilly, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics, đồng euro đã chịu ảnh hưởng nặng nề hơn sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và xu hướng này khó có thể sớm thay đổi.
Tính đến phiên 29/11, 1 euro đổi được khoảng 1,05 USD, giảm khoảng 3% so với mức 1 euro đổi 1,09 USD vào thời điểm thị trường đóng cửa vào ngày bầu cử Mỹ (5/11). Ông Reilly cũng cho biết Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - cũng đã kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ tám liên tiếp. Ông chỉ ra đây là một "chuỗi tăng cực đoan" mới xảy ra ba lần kể từ năm 2000.
Trong bối cảnh đó, du khách Mỹ có thể tận dụng biến động tỷ giá này bằng cách trì hoãn việc chi tiêu đến năm sau. Ví dụ, đặt phòng khách sạn hoặc tour du lịch châu Âu cho năm 2025 nhưng thanh toán sau sẽ giúp hoãn chi phí. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có gì đảm bảo đồng euro sẽ tiếp tục suy yếu so với USD.
Các nhà kinh tế cho biết thuế quan và chính sách thương mại là những yếu tố chính ảnh hưởng đến biến động tỷ giá euro-USD. Ông Trump đã đề xuất áp thuế quan rộng rãi đối với các đối tác thương mại toàn cầu. Trong chiến dịch tranh cử, ông đề xuất mức thuế 10% hoặc 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc và 25% đối với tất cả sản phẩm từ Canada và Mexico ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Dù vậy, phạm vi và quy mô cuối cùng cho chính sách thuế quan của ông vẫn chưa rõ ràng.
Các động thái thuế quan như vậy có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Âu, khiến nền kinh tế khu vực này suy yếu và đồng euro mất giá.
Chênh lệch lãi suất cũng có ảnh hưởng lớn đến biến động tỷ giá. Các nhà kinh tế dự đoán chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và khu vực đồng euro sẽ mở rộng, một phần do tác động của thuế quan.
Chuyên gia McKenna từ ngân hàng Wells Fargo cho biết thuế quan đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, tạo ra chênh lệch lãi suất ngày càng lớn và có lợi đáng kể cho đồng USD.
Ông McKenna cũng lưu ý thị trường tài chính không thích sự bất ổn. Nếu những chính sách của ông Trump gây bất ổn thị trường trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm những tài sản trú ẩn an toàn bằng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhờ đó, đồng bạc xanh sẽ tăng giá trị.
Tất nhiên, vẫn có khả năng châu Âu sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan riêng hoặc tăng một số loại giá nhất định, chẳng hạn như giá vé máy bay. Tuy nhiên, ông Reilly cho rằng điều đó sẽ không xảy ra và châu Âu mong muốn thương mại tự do nhất có thể.
Hương Thủy-Link gốc