Trước sức ép từ xe Trung Quốc, Honda và Nissan đang đàm phán để có thể thành lập một công ty cổ phần. Một số nguồn tin cho hay các nhà sản xuất ô tô này đang thảo luận về khả năng sáp nhập.
Honda Motor và Nissan Motor bắt đầu đàm phán về việc sáp nhập, hợp nhất nguồn lực để cạnh tranh tốt hơn với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi nhanh chóng. Ảnh: Honda
Một số liên minh thường được hình thành từ nhu cầu, một số khác từ sự thuận tiện. Trong trường hợp khả năng sáp nhập giữa Honda và Nissan, phần lớn là một động thái phòng thủ khi các đối thủ ô tô Trung Quốc đang làm mưa làm gió trên toàn cầu.
Trong khi thách thức từ xe điện (EV) của Trung Quốc đang đe dọa các nhà sản xuất ô tô truyền thống, đối với Nhật Bản, nó đại diện cho mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng sản xuất ô tô rộng lớn, vốn là động lực kinh tế của nước này trong nhiều năm.
Honda, công ty ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, và Nissan, công ty lớn thứ ba, đang đàm phán để tăng cường quan hệ, bao gồm khả năng thành lập một công ty cổ phần. Một số nguồn tin cho hay các nhà sản xuất ô tô này đang thảo luận về khả năng sáp nhập.
Giống như các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác, cả Honda và Nissan đều đã mất thị phần ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, khi BYD và các thương hiệu nội địa khác chinh phục người tiêu dùng bằng xe điện và xe hybrid được trang bị phần mềm cải tiến.
Honda báo cáo lợi nhuận quý giảm 15% vào tháng trước, do ảnh hưởng từ doanh số sụt giảm ở Trung Quốc và đã cắt giảm lực lượng lao động tại đây. Nissan, một công ty đang gặp khó khăn trong thời gian dài, có kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm trên toàn cầu và giảm 20% công suất sản xuất do doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc và Mỹ.
Ông Sanshiro Fukao, một nhà điều hành tại Viện Nghiên cứu Itochu ở Tokyo, cảnh báo rằng tốc độ mà các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể đổi mới khiến Honda và Nissan "không có thời gian" để kinh doanh như bình thường.
Những chuyên gia khác lưu ý rằng bất kỳ sự suy giảm mạnh nào trong ngành ô tô Nhật Bản sẽ gây ra tổn thương nặng nề. Đây là lĩnh vực mạnh nhất trong nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và vị thế của Nhật Bản trong các ngành công nghiệp quan trọng khác như điện tử tiêu dùng và chip đã suy yếu trong những năm qua.
Ông Takumi Tsunoda, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương Shinkin nhận xét đối với Nhật Bản, tất cả đều xoay quanh ô tô. Nếu ngành ô tô không cải thiện, toàn bộ ngành sản xuất của Nhật Bản sẽ không thể tốt hơn.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, chuỗi cung ứng ô tô của Nhật Bản có tổng cộng khoảng 60.000 công ty tính đến tháng 5/2024. Tổng giao dịch kinh doanh ước tính đạt 42.000 tỷ yen (270 tỷ USD), tương đương 7% GDP danh nghĩa trong năm tài chính 2023.
Nhìn chung, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, ngành này sử dụng hơn 5 triệu lao động, chiếm 8% tổng lực lượng lao động.
Việc hợp nhất thông qua sáp nhập có thể giúp cắt giảm chi phí và tập trung nguồn lực, nhưng vẫn còn phải xem liệu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, giống như ngành công nghiệp ô tô của Mỹ hoặc Đức, có thể cạnh tranh đủ trong lĩnh vực xe điện hay không.
Ngành ô tô Nhật Bản đã được xây dựng trên nền tảng của truyền thống "monozukuri" và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý sản xuất của Toyota. Toyota đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách sản xuất ô tô bằng hệ thống sản xuất tinh gọn và giao hàng đúng hạn, điều này đã có tác động lớn đến các nhà sản xuất ô tô khác ở Nhật Bản và trên toàn thế giới.
Link gốc