Sự kết hợp giữa công nghệ tiền điện tử và ngành hàng xa xỉ đang mở ra những cơ hội mới để tiếp cận khách hàng trẻ và giàu trên toàn cầu.
Giá trị tăng vọt của tiền ảo Bitcoin đã thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu thời trang cao cấp và nhà bán lẻ. Thực tế ấy khiến nhiều nhà sản xuất hàng xa xỉ cân nhắc sử dụng tiền điện tử như một phương thức thanh toán để tiếp cận nguồn tài sản mới và xây dựng lòng trung thành với các nhà đầu tư tiền mã hóa.
Trước đây, chỉ vài thương hiệu hàng xa xỉ như LVMH, các nhãn hiệu đồng hồ Hublot và Tag Heuer, cùng các thương hiệu thời trang Gucci và Balenciaga thuộc tập đoàn Kering, thử nghiệm thanh toán bằng tiền điện tử.
Gần đây, cửa hàng bách hóa cao cấp Printemps ở Pháp tuyên bố hợp tác với Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, và công ty công nghệ tài chính Lyzi. Họ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, Ethereum và một số loại tiền điện tử khác tại các cửa hàng ở Pháp, trở thành cửa hàng bách hóa đầu tiên ở châu Âu thực hiện việc đó. Động thái ấy, diễn ra trong bối cảnh giá tiền ảo Bitcoin tăng, đã thu hút sự chú ý của các thương hiệu hàng xa xỉ và nhà bán lẻ khác.
“Chúng tôi đã nhận nhiều cuộc gọi quan tâm,” David Princay, Chủ tịch Binance France, phát biểu. Ông tiết lộ rằng Binance đang thảo luận với các thương hiệu xa xỉ khác để mở rộng hợp tác.
Nhà sản xuất bật lửa và bút cao cấp S.T. Dupont dự định chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử tại hai cửa hàng ở Paris trước kỳ nghỉ lễ.
Trong lĩnh vực du lịch, công ty Virgin Voyages đã bắt đầu cung cấp sản phẩm đầu tiên chấp nhận tiền ảo Bitcoin làm phương thức thanh toán. Khách hàng có thể mua vé hành trình trị giá 120.000 USD để du ngoạn trong một năm trên các tàu du lịch của hãng.
Cảnh báo từ các cơ quan quản lý
Hàng loạt cơ quan quản lý đã cảnh báo rằng tiền điện tử như Bitcoin là tài sản rủi ro cao và có ít ứng dụng thực tế. Sự biến động giá trị lớn cũng là một rào cản khiến tiền điện tử khó được chấp nhận rộng rãi.
Dù vậy, những cam kết ủng hộ từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các chính sách thân thiện với tiền điện tử, đã góp phần đẩy giá tiền ảo Bitcoin lên mức kỷ lục. Các nhà phân tích của S&P nhận định rằng sự đổi mới blockchain trong tài chính có thể làm tăng tính ổn định và khả năng dự đoán của tiền điện tử.
Các thương hiệu xa xỉ từ lâu đã tìm cách thu hút khách hàng giàu trong lĩnh vực công nghệ. Họ mở cửa hàng tại các trung tâm mua sắm cao cấp ở Thung lũng Silicon và giới thiệu sản phẩm như đồng hồ Hermes Apple Watch. Chiếc đồng hồ này kết hợp dây da khâu tay đặc trưng của nhà sản xuất túi Birkin với công nghệ đồng hồ thông minh của Apple.
Đầu tuần này, giá Bitcoin tăng kỷ lục, vượt 107.000 USD mang lại nguồn tài sản mới. Tình trạng ấy diễn ra đúng lúc ngành hàng xa xỉ đang đối mặt với đợt suy giảm lớn nhất trong nhiều năm và cần tìm nguồn tăng trưởng mới.
Việc chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử là một cách để các thương hiệu thể hiện sự đổi mới. Họ muốn tránh bị xem là “thương hiệu cũ kỹ chỉ phục vụ thế hệ già,” theo Andrew O’Neill, nhà phân tích tài sản kỹ thuật số tại S&P Global Ratings.
Hành động mang tính biểu tượng
Mặc dù vậy, tùy chọn thanh toán này chủ yếu mang tính biểu tượng. Các nhà bán lẻ thường chuyển đổi tiền điện tử sang euro hoặc USD để tránh rủi ro biến động giá. Hơn nữa, đối với phần lớn khách hàng, các phương thức thanh toán hiện tại như PayPal hay Venmo đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu, O’Neill giải thích.
Dù vậy, với các nhà đầu tư Bitcoin đã thu lợi nhuận lớn, việc mua sắm hàng xa xỉ như túi xách hay đồng hồ cao cấp trở thành một lựa chọn rõ ràng để đa dạng hóa tài sản, theo các nhà phân tích.
Balenciaga vừa công bố ví da đựng thiết bị “Stax” của công ty ví tiền điện tử Ledger. Chiếc ví da màu đen có giá 350 euro (368 USD). Phụ kiện kèm theo bao gồm móc khóa, charm hình tháp Eiffel và chip NFC gắn dưới logo thương hiệu.
Ledger cũng cung cấp nhiều loại phần cứng tiền điện tử khác. Thiết bị “Stax” cao cấp với màn hình cong có giá 399 USD tại Best Buy. Phiên bản “Flex,” giống như một chiếc Kindle mini, được bán với giá 249 USD. Phiên bản “Nano” nhỏ gọn, trông như một chiếc USB, có giá 79 USD.
Gregory Boutte, Giám đốc Khách hàng và Kỹ thuật số của tập đoàn xa xỉ Kering, nói rằng chiến lược công nghệ của tập đoàn là “thử nghiệm và học hỏi” thay vì “chờ đợi và quan sát”. Ông nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ mới là yếu tố quan trọng để tiếp cận khách hàng trẻ và thị trường châu Á.
Từ năm 2022, thương hiệu nổi bật của Kering là Gucci đã chấp nhận thanh toán bằng 10 loại tiền điện tử cho hầu hết các sản phẩm tại Mỹ.
Printemps cũng đang lên kế hoạch mở rộng dịch vụ thanh toán bằng tiền điện tử đến New York. Họ dự kiến khai trương một cửa hàng đa thương hiệu tại khu vực Wall Street vào tháng Ba năm sau.
Việc tiền ảo Bitcoin tăng giá vào cuối năm 2021 đã khiến nhiều thương hiệu xa xỉ quan tâm hơn đến tiền điện tử. Tag Heuer, dưới sự lãnh đạo của Frederic Arnault thuộc tập đoàn LVMH, cùng với Gucci, đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử cho một số sản phẩm tại Mỹ vào năm 2022.
Eunice Wong, một nhà đầu tư và người có ảnh hưởng, gần đây đã sử dụng tiền điện tử để mua sắm hàng xa xỉ. Người này, được biết đến với cái tên “Eunicorn,” tiết lộ rằng ông đã dùng tiền điện tử để mua một số đồng hồ cao cấp trong năm nay, bao gồm mẫu Audemars Piguet Royal Oak.
Tuy nhiên, Wong không hứng thú với việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với các thương hiệu xa xỉ. Cô muốn bỏ qua các cửa hàng bán lẻ truyền thống và các quy trình mua sắm phức tạp, vì cho rằng quy trình đó mất quá nhiều thời gian. “Nếu có nhu cầu, tôi sẽ mua ở thị trường thứ cấp, không phải từ họ. Tôi muốn có ngay lập tức” cô chia sẻ với Reuters.
Tùng Lâm/Reuters
Link gốc