Thống đốc BoJ dường như đang quyết tâm cân nhắc các lựa chọn của mình cho đến phút cuối cùng trước khi đưa ra quyết định vào ngày 19/12.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda có nhiều dữ liệu để củng cố khả năng tăng lãi suất vào tháng 12. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1989 (thời kỳ đỉnh điểm bong bóng tài sản của Nhật Bản) BoJ thực hiện ba lần thắt chặt chính sách tiền tệ trong một năm dương lịch.
Thống đốc BoJ dường như đang quyết tâm cân nhắc các lựa chọn của mình cho đến phút cuối cùng trước khi đưa ra quyết định vào ngày 19/12. Ông sẽ xem xét kỹ lưỡng các số liệu sắp tới, bao gồm khảo sát Tankan của BoJ vào ngày 13/12, và theo dõi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vài giờ trước khi BoJ ra quyết định.
Tuy nhiên, kỳ vọng về một động thái trong thời gian tới đang gia tăng. Trong một cuộc phỏng vấn cuối tuần qua, ông Ueda nhấn mạnh rằng BoJ sẽ tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến phù hợp với dự báo. Ông còn tiến thêm một bước khi nói rằng thời điểm tăng lãi suất đang "cận kề" vì các dự báo đã được chứng minh là đúng. Đà lạm phát vẫn được duy trì, các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư và tiền lương đang tăng lên.
Ông Ueda đã cam kết sẽ truyền đạt thông điệp của BoJ một cách cẩn thận trước khi đưa ra động thái tiếp theo. Nhưng khác với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, người đã báo trước một động thái lãi suất sắp xảy ra bằng cách nói "đã đến lúc", ông Ueda lại lựa chọn từ “cận kề”. Cách diễn đạt này cho phép ông gợi ý rằng một động thái sắp diễn ra mà không bị bó buộc vào một tháng cụ thể nào.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế được khảo sát tháng trước đều dự báo sẽ có đợt tăng lãi suất trước tháng 1/2025. Và cuộc phỏng vấn cuối tuần qua nói trên của ông Ueda có thể đã củng cố quan điểm này, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong phiên 2/12.
Ông Ko Nakayama, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Okasan Securities và là cựu quan chức BoJ, dự đoán đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể sẽ diễn ra vào tháng 12. Ông nhắc lại lập trường của BoJ rằng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến đúng với các dự báo chính thức, mà ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ điều đó.
Lần gần nhất BoJ thực hiện ba lần tăng lãi suất trong một năm là vào năm 1989. Lần tăng thứ ba trong năm đó diễn ra vào ngày Giáng sinh, chỉ bốn ngày trước khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đạt đỉnh 38.957,44 điểm. Tổng mức tăng lãi suất trong năm 1989, từ 2,5% lên 4,25%, cùng với những cảnh báo của BoJ về tình trạng bong bóng tài sản, đã gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế và góp phần làm giảm niềm tin quá mức của các nhà đầu tư. Sau động thái đó, chỉ số Nikkei 225 đã không thể quay trở về đỉnh cũ nói trên cho đến tận tháng Hai năm nay, tức 35 năm sau.
Sau khi nắm quyền vào tháng 4/2023, ông Ueda đã đưa năm 2024 thành một năm mang tính bước ngoặt bằng cách chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ khổng lồ của BoJ vào tháng Ba với lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm. Lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ đưa lãi suất chính sách của BoJ từ 0,25% lên 0,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Mặc dù mức này vẫn rất thấp so với lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, nhưng động thái này vẫn thể hiện một sự thay đổi đáng kể, sau khi BoJ đã duy trì lãi suất ở mức -0,1% trong nhiều năm.
Mặc dù tiến trình nhanh chóng đến mức đáng ngạc nhiên của ông Ueda trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ đã diễn ra suôn sẻ hơn dự đoán, nhưng quá trình này vẫn gặp những trở ngại. Lần tăng lãi suất thứ hai của BoJ vào tháng Bảy đã góp phần gây ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào đầu tháng Tám, trong đó Nikkei ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất trong lịch sử của chỉ số này. Tuy nhiên, thị trường cuối cùng đã ổn định trở lại.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền thông hồi cuối tuần qua, Thống đốc BoJ lưu ý rằng ông đang theo dõi các cuộc đàm phán tiền lương cũng như bất kỳ rủi ro nào có thể xuất hiện từ nền kinh tế Mỹ vào thời điểm chuyển giao quyền lực. Mức tăng lương mạnh mẽ đạt được vào mùa Xuân này là động lực đằng sau quyết định bắt đầu rút lại chương trình kích thích tăng trưởng của BoJ vào tháng Ba.
Ngày 19/12, khi Fed và BoJ đưa ra các quyết định lãi suất, có thể chứng kiến sự thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Tính đến ngày 2/12, các nhà giao dịch dự đoán có khoảng 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và khoảng 61% khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất, cao gấp đôi so với xác suất được dự đoán vào một tháng trước.
Ông Nakayama cho biết, nếu Fed hành động mà BoJ không hành động, điều đó có thể thể hiện sự thận trọng của BoJ và làm suy yếu đồng yen. Theo ông, đây cũng có thể là yếu tố gây bất ổn cho các thị trường tài chính.
Khánh Ly-Link gốc