Giá dầu thế giới đã tăng nhẹ vào sáng ngày 9/12, khi căng thẳng tại Trung Đông gia tăng sau sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ.
Một trạm xăng ở Rzeszow, Ba Lan. Ảnh minh họa: PAP/TTXVN
Diễn biến này phần nào làm lu mờ lo ngại về nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc, thể hiện qua việc tập đoàn dầu khí Saudi Aramco cắt giảm giá dầu cho các khách hàng châu Á.
Vào lúc 8 giờ 40 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent tăng 22 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 71,34 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 22 xu Mỹ, đạt mức 67,42 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm hơn 2,5% và dầu WTI mất 1,2% khi các chuyên gia dự báo thặng dư nguồn cung dầu toàn cầu trong năm tới do nhu cầu suy yếu, bất chấp quyết định của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, về việc trì hoãn tăng sản lượng và kéo dài thời gian cắt giảm sâu đến cuối năm 2026.
Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, ngày 8/12 thông báo hạ giá dầu giao tháng 1/2025 dành cho khách hàng châu Á xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Động thái này phản ánh tác động từ nhu cầu yếu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy tại Syria tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng họ đã lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự kiện này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bất ổn mới tại khu vực Trung Đông vốn đã chìm trong xung đột.
Ông Tomomichi Akuta, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting, nhận định: “Diễn biến tại Syria đã tạo thêm bất ổn chính trị mới tại Trung Đông, qua đó hỗ trợ phần nào cho thị trường dầu mỏ”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc Saudi Arabia giảm giá cho các khách hàng châu Á và quyết định kéo dài cắt giảm sản lượng của OPEC+ vào tuần trước nêu bật tình trạng nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Điều này có thể khiến thị trường suy yếu vào cuối năm.
OPEC+, chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu thế giới, trước đó dự định bắt đầu nới lỏng các biện pháp cắt giảm từ tháng 10/2024. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu suy giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc, cùng với sản lượng tăng ở các khu vực khác đã buộc tổ chức này phải trì hoãn kế hoạch nhiều lần.
Tuần trước, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2024, cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ đang có xu hướng tăng.
Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)
Link gốc