Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đề xuất phá bỏ độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng miếng trong nước liên tục lao dốc, đánh mất mốc 80 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ không có giải pháp nào để ổn định thị trường. Chỉ cần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chưa cần đến việc cho nhập khẩu vàng hay không thì giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng giảm sau động thái mới của NHNN
Chốt tuần qua (18/3-24/3), giá vàng miếng SJC niêm yết tại 78 - 80,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chênh lệch giữa chiều mua và bán là 2,3 triệu đồng. So với chốt phiên tuần trước, mỗi lượng vàng đã giảm 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Chưa dừng lại ở đó, trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng đã thủng mốc 80 triệu đồng/lượng. Đến chiều ngày 25/3, giá vàng SJC niêm yết tại 77,9-79,9 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa chiều mua vào - bán ra là 2 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC đã thủng mốc 80 triệu đồng/lượng.
Tính ra, mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm 1,8 triệu đồng sau chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ hôm 20/3 về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Nếu người mua vàng miếng SJC tại đỉnh kỷ lục (12/3) với giá 82,5 triệu đồng/lượng thì nay nếu bán ra với giá 77,9 triệu đồng/lượng đã lỗ tới 4,1 triệu đồng/lượng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân đằng sau đà giảm của giá vàng SJC trong nước là do động thái mới nhất của NHNN. Theo đó, tại cuộc họp về quản lý thị trường vàng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, NHNN đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng bằng cách loại bỏ cơ chế Nhà nước giữ quyền sản xuất vàng miếng, thay vào đó cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể. Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
“Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá”, đại diện NHNN cho biết.
Theo NHNN, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Nhưng từ năm 2014 đến nay, cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường.
"Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao", NHNN lý giải.
Kỳ vọng giải toả sức nóng thị trường
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), đánh giá những đề xuất của NHNN nếu áp dụng vào thực tế sẽ giúp giải tỏa những khúc mắc của thị trường vàng lúc này. Đó là khi không còn độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng trong nước sẽ không còn cao hơn hàng chục triệu đồng so với giá vàng thế giới.
“Khi các doanh nghiệp được trao quyền nhập khẩu vàng, nguồn cung vàng tăng lên giúp cân bằng cung cầu thị trường, cũng như hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn xuất khẩu vàng nữ trang một cách hiệu quả”, ông Khánh phân tích.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cũng cho rằng nên xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC. “Tôi nghĩ đấy là điều cần thiết, hãy để cho những doanh nghiệp đủ điều kiện được dập vàng miếng bán ra thị trường nhưng Nhà nước phải kiểm soát số lượng để tránh đầu cơ, vì chúng ta không khuyến khích đầu cơ vàng, nhưng phải đáp ứng nhu cầu chính đáng tích trữ của người dân. Hơn nữa, vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nó còn liên quan tới vấn đề dự trữ quốc gia nên phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng”, ông Thịnh nói.
Trong lúc chờ sửa đổi Nghị định 24, các chuyên gia khẳng định những biến động trên thị trường hiện nay không chỉ đến từ yếu tố trong nước mà còn do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Do đó, không cho phép cơ quan quản lý chậm trễ hơn, vì càng chậm thì hệ lụy với nền kinh tế càng lớn. Đã đến lúc phải áp dụng cơ chế quản lý mới cho thị trường vàng, kể cả trong hoàn cảnh buộc phải “ném đá dò đường”.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trước mắt, nếu Nghị định 24 chưa điều chỉnh mà muốn ổn định thị trường vàng thì cần nhập khẩu vàng dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu và cân bằng thị trường. Tuy nhiên, nhiều người lại bày tỏ lo ngại sẽ “chảy máu” ngoại tệ.
Về lo ngại này, ông Thịnh cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp đưa ra con số xin nhập là khoảng 150kg vàng nguyên liệu, nếu quy ra giá trị đồng USD thì không lớn. “Mỗi năm, chúng ta nhập khẩu rất nhiều ôtô, cũng như chi rất nhiều USD để nhập những mặt hàng xa xỉ, vậy tại sao lại cấm nhập khẩu vàng? Nếu chúng ta nhập khẩu thì đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân trong việc giao dịch, tích trữ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho công nhân chế tác vàng”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Đồng thời, chuyên gia này dẫn chứng, một số doanh nghiệp cũng đang chế tác vàng trang sức cao cấp, tạo ra những sản phẩm tốt, tinh xảo, xuất khẩu đi một số nước được đánh giá cao. Vì vậy, nếu cho nhập vàng nguyên liệu, sản xuất vàng trang sức, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài thu về ngoại tệ. Như thế, lợi cả đôi đường và giúp bình ổn thị trường.
Huyền Anh