Mặc dù rất hoàn nghênh việc NHNN đề xuất nới thời hạn áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, song nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên nới thêm 1 năm.
Đến ngày 31/12/2023, gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng số tiền hơn 183.500 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024.
Hỗ trợ cả 2 phía
Theo các chuyên gia, việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ, không phải chịu lãi suất phạt khi nợ quá hạn, mà còn có cơ hội tiếp cận các khoản vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Không chỉ doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng được hưởng lợi từ việc gia hạn Thông tư 02. Quả vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giảm bớt áp lực nợ xấu cho các ngân hàng, nhất là khi nợ xấu của các nhà băng đang có xu hướng tăng nhanh do khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Bởi vậy, lãnh đạo các ngân hàng đều có chung kiến nghị là nên kéo dài thời hạn Thông tư 02. “Việc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp và việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn”, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết.
Cần “nới” dài hơn
Tuy nhiên chiếu theo ý kiến của ông Đào Minh Tú thì NHNN chỉ đề xuất kéo dài thời hạn Thông tư 02 thêm 06 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian kéo dài như vậy là chưa đủ do hoạt động sản xuất – kinh doanh được dự báo sẽ còn đối mặt với khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Cũng vì lẽ đó, nên nhiều lãnh đạo ngân hàng như ông Hồ Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LPBank đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng đến 30/06/2025. Điều này cũng được nhiều chuyên gia đồng thuận.
Theo nhiều chuyên gia, việc NHNN chỉ đề xuất nới thời hạn Thông tư 02 thêm 06 tháng là do lo ngại rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, bởi việc cơ cấu nợ khiến bức tranh nợ xấu không được phản ánh đúng thực chất và áp lực nợ xấu sẽ đẩy về tương lai.
Dù cho rằng quan ngại trên là có cơ sở, song theo các chuyên gia, không nên quá lo lắng. Bởi các ngân hàng đã có nhiều bài học xương máu về tăng trưởng tín dụng nóng dẫn tới hậu quả nợ xấu những giai đoạn trước đây. Đặc biệt, các ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ được cơ cấu lại. Đó là nguồn lực quan trọng để các nhà băng xử lý nếu các khoản nợ được cơ cấu lại chuyển thành nợ xấu.
Hà Anh
Link gốc