Sự phân mảnh kinh tế có thể tạo ra tác động sâu rộng đến thương mại, chẳng hạn như giảm hiệu quả đạt được và tăng nguy cơ biến động tài chính vĩ mô.
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trái ngược với không khí sội động trên các thị trường toàn cầu, được dẫn dắt bởi công nghệ và năng lượng, nhờ lợi nhuận thu được trong ngắn hạn khá tích cực, tại Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức vào tháng trước, hai thể chế kinh tế uy tín toàn cầu đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ phân mảnh kinh tế ngày càng tăng.
Ý tưởng cho rằng một nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau có thể hoạt động trong một hệ thống địa chính trị dựa trên chủ quyền quốc gia của gần 200 quốc gia độc lập luôn phản ánh một xã hội có mức độ duy tâm nhất định. Trên thực tế, “cuộc kết hôn kỳ lạ” này đã sụp đổ vào những năm 1930, với sự chia rẽ kéo dài cho đến hết Chiến tranh Thế giới thứ hai (WWII).
Tuy nhiên, chủ nghĩa lý tưởng vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt và hệ thống toàn cầu sau đó đã được xây dựng lại trên nền tảng của các quy tắc được thống nhất. Các thể chế quốc tế cùng chia sẻ và bao dung lẫn nhau, cùng quản lý khủng hoảng chung. Ngay từ đầu, những cân nhắc về an ninh đã luôn được tách biệt với nền kinh tế ở mức tối đa. Điều này trở thành đặc biệt quan trọng vào những năm 1990, khi các quốc gia có chế độ hoàn toàn khác biệt bắt đầu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ngày nay, nền tảng của hệ thống chung toàn cầu đang bị xói mòn nhanh chóng và hội nhập kinh tế thế giới dường như bị đảo ngược. Như chuyên gia Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã giải thích gần đây rằng sự phân mảnh kinh tế có thể tạo ra tác động sâu rộng đến thương mại, chẳng hạn như giảm hiệu quả đạt được và tăng nguy cơ biến động tài chính vĩ mô.
Sự phân mảnh cũng có thể gây thu hẹp dòng chảy vốn tới các nước Nam Toàn cầu và làm suy yếu hoạt động cung cấp hàng hóa công toàn cầu, bao gồm cả các hành động về khí hậu.
Năm yếu tố chính đang thúc đẩy xu hướng phân mảnh này. Thứ nhất là rủi ro địa chính trị gia tăng. Yếu tố này gây ra sự ngờ vực và làm giảm sự sẵn sàng hợp tác của các quốc gia quan trọng về mặt hệ thống.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách hiếm khi sẵn sàng thừa nhận điều này, nhưng chỉ cần một “đốm lửa” ném vào các cuộc khủng hoảng đang có sẵn, như cạnh tranh Mỹ - Trung, có thể dễ dàng làm sụp đổ toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, các quốc gia chủ chốt ngày càng mở rộng các cân nhắc về an ninh, có khả năng định hình lại chính sách kinh tế. Một số nước đã tăng cường hành động để đảm bảo khả năng tiếp cận đầu vào, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Mặc dù, điều này là dễ hiểu, nhưng các quốc gia cần phải kiềm chế.
Trong khi toàn cầu hóa diễn ra dần dần, thì quá trình phi toàn cầu hóa - được thúc đẩy bởi các biện pháp có động cơ an ninh (đảm bảo sẽ gây ra sự leo thang phản ứng của các đối thủ và đối tác) - lại diễn ra hết sức nhanh chóng và khó quản lý, gây ra rủi ro hệ thống nghiêm trọng.
Yếu tố thứ ba làm cơ sở cho sự phân mảnh kinh tế thế giới là sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa các nước Bắc Toàn cầu và Nam Toàn cầu. Hỗ trợ công và tư cho các nền kinh tế đang phát triển đã bị sụp đổ vào thời điểm nhiều người đang phải vật lộn với di chứng của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Xu hướng hội tụ các nền kinh tế phát triển kéo dài hàng thập kỷ dường như đã bị gián đoạn và sự bất mãn đang hình thành ở phía Nam Toàn cầu.
Dòng vốn tài chính ròng chảy tới các nước đang phát triển đã chuyển từ dương sang âm trong năm 2023 và xu hướng này thậm chí còn tồi tệ hơn trong năm 2024.
Điều này phần nào giải thích cho việc nhiều nước Nam Toàn cầu miễn cưỡng hoặc từ chối ủng hộ phương Tây trong các vấn đề chính trị quan trọng, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan tới xung đột Nga-Ukraine.
Sự phân mảnh cũng phản ánh mức độ leo thang nhanh cóng của rủi ro khí hậu và thiên tai. Trong các năm gần đây, thế giới đã chứng kiến những trận lũ lụt “chỉ xảy ra một lần trong đời”, cháy rừng quy mô lớn và hạn hán gia tăng.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia có nguy cơ mất ổn định trong vòng vài năm tới và không có mạng lưới an toàn toàn cầu. Như nhà báo, chuyên gia kinh tế Dani Rodrik đã chỉ ra, nhiều quốc gia đang cạnh tranh để giành quyền thống trị trong lĩnh vực công nghệ xanh, thay vì hợp tác cùng với nhau để đẩy nhanh tiến độ.
Cuối cùng, sự tăng trưởng theo cấp số nhân của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, thay vì cần thiết phải có sự hợp tác toàn cầu.
Hai nhà kinh tế học Daron Acemoglu và Simon Johnson của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã lưu ý rằng các quy định, chính sách và thể chế sẽ là cần thiết để đảm bảo rằng AI tạo ra việc làm, hơn là chỉ phá hủy chúng. Các nước Nam Toàn cầu cần có tiếng nói trong nỗ lực quản lý AI chung.
Điều chắc chắn là, hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều nguồn lực làm tiền đề cho sự phục hồi. Các nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gần đây của Indonesia, Ấn Độ và Brazil đã cho thấy hầu hết các nước Nam Toàn cần vẫn cam kết phụ thuộc lẫn nhau và cùng tăng cường quản trị toàn cầu.
Hơn nữa, khu vực tư nhân tiếp tục duy trì đặc điểm là phụ thuộc lẫn nhau. Thế giới vẫn có các tổ chức quốc tế chuyên dụng, mạng lưới giáo dục toàn cầu và xã hội dân sự toàn cầu.
Nhưng chúng ta không được đánh giá thấp những rủi ro phía trước. Có lý do chính đáng để tin rằng những tháng và năm tới sẽ mang đến một loạt cú sốc và khủng hoảng. Nếu các nhà lãnh đạo phản ứng bằng chính sách “ăn miếng, trả miếng” nhằm đảm bảo lợi thế trước các đối thủ, thì sự hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ trở nên rất mong manh.
Tốc độ của quá trình tan rã có thể khiến các nhà hoạch định chính sách choáng ngợp và con đường chuyển từ nỗi đau kinh tế đến biến động xã hội và sau đó là từ bỏ các quy tắc chung toàn cầu có thể sẽ rất ngắn.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang “bận bịu” với những tin tức về xung đột, tranh giành quyền lực, căng thẳng xã hội và phân cực chính trị, đến mức gần như lãng quên việc thúc đẩy duy trì hội nhập kinh tế toàn cầu. Lịch sử phát triển, học thuyết kinh tế và xu hướng hiện tại cho thấy đây là một sai lầm.
Ngay cả khi hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau chỉ sụp đổ một phần thì đó cũng đã là thảm họa, vì nó sẽ làm suy yếu đầu tư vào hàng hóa công toàn cầu. Đối với các chính trị gia lo lắng về tác động của di cư vào đất nước của họ, cần phải ghi nhớ rằng nếu không đầu tư lớn vào việc chống biến đổi khí hậu, đảo ngược tình trạng sa mạc hóa và giảm nghèo, hàng triệu người có thể cố gắng vượt Địa Trung Hải vào năm 2050.
An ninh quốc gia phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng các biện pháp nhằm “đảm bảo” nền kinh tế nên được kết hợp với nỗ lực cải thiện mối quan hệ với các đối thủ và đầu tư vào hàng hóa công toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo thế giới cần tối đa hóa vai trò của G20 và các cơ quan đa phương khác, từ đó nâng cao hiệu quả các nhóm công tác và thể chế hỗ trợ quản trị tập thể, tập trung vào quản lý rủi ro AI, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống kinh tế toàn cầu mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào.
Link gốc