Việc triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt đối với hoạt động kinh doanh vàng, mua bán vàng từ ngày 15/6 được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn gốc vàng, từ đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vàng không rõ nguồn gốc.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến ngày 15/6, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép. Hai ngày trước thời hạn này, 100% cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc đã cam kết thực hiện đúng yêu cầu.
Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện đã có hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, những cơ sở này chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, còn đối với các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, các chuyên gia cho rằng nên có lộ trình phù hợp và có sự hỗ trợ từ cơ quan thuế cho việc triển khai hóa đơn điện tử với các cơ sở kinh doanh vàng.
Triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt đối với hoạt động kinh doanh vàng, mua bán vàng giúp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vàng không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết: Ngành thuế mong nhận được sự phối hợp của các sở ban ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an trong quá trình kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ phối hợp và phát hiện các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn.
Hà Nội hiện có số lượng đơn vị kinh doanh vàng đứng thứ 2 toàn quốc với khoảng 400 doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, Hà Nội cũng là một trong 3 địa phương thí điểm triển khai xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nên 100% cơ sở kinh doanh vàng đã thực hiện. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn là chính và trông chờ vào tính tự giác của cơ sở kinh doanh.
Ông Đinh Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thông tin: "Chúng tôi tuyên truyền đối với những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trên địa bàn để thực hiện nghiêm việc đăng ký phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Thứ hai là tuyên truyền người dân trên địa bàn thực hiện thói quen mua hàng hóa nói chung cũng như mua vàng nói riêng lấy hóa đơn".
Ông Vũ Hoàng Anh, Kế toán Công ty Vàng bạc Quốc Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: "Khách hàng mua vàng không quen với việc xuất hóa đơn. Sau thời gian hỗ trợ tuyên truyền, khách đã bắt đầu làm quen".
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) nhấn mạnh cần phải gắt gao, kiểm soát được thị trường vàng trong nước: "Thời gian tới, chúng ta nên tiếp tục hỗ trợ cho cung cầu vàng, làm sao đảm bảo được những người mà có nhu cầu mua vàng được mua vàng. Nhưng chúng ta phải quản lý thị trường này bằng cách việc giao dịch vàng là phải hóa đơn, chứng từ, phải tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, chống đầu cơ lũng đoạn vàng".
Người tiêu dùng khi có hóa đơn điện tử sẽ được đảm bảo tối đa quyền lợi của mình. Khi người dân bán lại vàng có hóa đơn điện tử sẽ giúp chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, tránh bị “ép” tuổi vàng và bảo vệ quyền lợi người mua, đồng thời yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm vàng khi mua hàng.
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, việc quyết liệt triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã kiểm soát được doanh thu của từng cây xăng, Nhà nước thu được thuế và hạn chế được buôn lậu xăng dầu. Vì vậy, không chỉ kinh doanh vàng bạc mà sắp tới cần đẩy mạnh kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với nhiều ngành nghề khác để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Thanh Hoa-Link gốc