Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng 3 đề xuất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại WEF Đại Liên rất quan trọng, đặc biệt đối với việc xây dựng thể chế ở một số nền kinh tế mới nổi.
Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc -trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh. (Ảnh: Thành Dương/TTXVN)
Tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Đại Liên 2024 tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể sáng 25/6.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về những đóng góp của Đoàn đại biểu Việt Nam đối với Diễn đàn lần này, Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính hai năm liên tiếp được mời tham gia Diễn đàn tại Trung Quốc đã thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn, đồng thời cũng thể hiện rõ vị thế ưu tiên rất nổi bật của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, hai điểm này thể hiện đầy đủ vai trò dẫn dắt rất quan trọng của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Giáo sư Hứa Lợi Bình nhấn mạnh Diễn đàn năm nay với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới," được gọi là Diễn đàn của các nhà tiên phong.
Nói cách khác, Việt Nam đang trong quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới, do đó ở một mức độ nào đó đóng vai trò tiên phong.
Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 5,5%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng từ 6-6,5%, Tốc độ tăng trưởng kinh tế này rất đáng chú ý, có thể nói đây là mức tăng trưởng tương đối cao trong toàn bộ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Điều này phản ánh tiềm năng và động lực phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi như hiện nay.
Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thực sự tạo thêm niềm tin cho sự phục hồi của kinh tế thế giới, và đây là điểm mấu chốt rất quan trọng Việt Nam được mời tham dự diễn đàn lần thứ hai liên tiếp.
Điều này phản ánh đầy đủ sự đóng góp của nền kinh tế Việt Nam đối với tăng trưởng của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí cả nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Về bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên khai mạc toàn thể, Giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
Bài phát biểu rất phong phú về nội dung và có nhiều điểm rất tích cực, chắc chắn đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và giới chính trị tham gia Diễn đàn.
Những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra phản ánh nhận định rất chính xác của nhà lãnh đạo Việt Nam về sự phát triển của kinh tế thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời đưa ra 3 đề xuất trong thời gian tới, gồm phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.
Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng đây là 3 bước phát triển mang tính đột phá mới mà Việt Nam đưa ra nhằm thúc đẩy thế giới phát triển những giải pháp hiệu quả của Việt Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề xuất 3 giải pháp nhằm phục hồi kinh tế. Đối với giải pháp thứ nhất về tăng cường xây dựng hệ thống, Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng đề xuất này rất quan trọng, đặc biệt đối với việc xây dựng thể chế ở một số nền kinh tế mới nổi.
Giáo sư Hứa Lợi Bình nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, bao gồm việc tháo gỡ một số vướng mắc về thể chế và đổi mới thể chế có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế.
Đối với đề xuất về tăng cường cải cách thể chế và cơ chế, đặc biệt là thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hạ tầng về giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế..., Giáo sư Hứa Lợi Bình đánh giá đây là những lĩnh vực rất quan trọng để phục hồi kinh tế và Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu đề xuất này rất phù hợp với sự phát triển thực tế hiện nay.
Cuối cùng, đối với đề xuất tập trung tăng cường chuyển giao công nghệ và tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng đề xuất này của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang tính xây dựng và tích cực, trong bối cảnh việc xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao nguồn nhân lực ở một số ngành công nghệ, có vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của Trung Quốc cho nền kinh tế toàn cầu phản ánh mức độ tin cậy chiến lược cao giữa Trung Quốc và Việt Nam./.
Link gốc