Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên của Việt Nam được thành lập khu thương mại tự do. Đây là mô hình mới ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện khoảng 70 năm trước ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Rõ ràng, cạnh tranh để thu hút các "đại bàng" nước ngoài sẽ là thách thức và khu thương mại tự do của Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó, Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Sẽ có những ưu đãi đặc biệt
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất...
Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu.
Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng chế độ ưu tiên về hải quan với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa bàn TP khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế, tài chính và pháp luật có liên quan, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, các chính sách cho khu thương mại tự do chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế. Có ý kiến đề nghị mở rộng chính sách thành “thí điểm thành lập khu thương mại tài chính tự do Đà Nẵng”; thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Đà Nẵng. Có ý kiến thí điểm khu thương mại tự do trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn. Có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Đà Nẵng và của cả vùng.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, Nghị quyết mang tính chất thí điểm; các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy, cần thận trọng có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao.
Hơn nữa, các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của TP.Đà Nẵng. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi chính sách như dự thảo Nghị quyết.
Từ những năm 1951, cách đây khoảng 70 năm, những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia đều đã thực hiện phát triển khu thương mại tự do. Khu thương mại tự do được kỳ vọng có thể góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, từ đó sẽ thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực vốn và công nghệ.
Cạnh tranh giữa các khu thương mại tự do
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận thành lập khu thương mại tự do được xem là điều mới đối với Việt Nam nhưng không có gì là mới với thế giới. Họ đã thành lập nhiều và từ rất lâu. Nhưng quan trọng nhất, ông cho rằng họ cũng không chờ đợi, vì bây giờ là một cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư.
Theo quan sát của vị tư lệnh ngành KH&ĐT, do cạnh tranh hiện nay nên dòng đầu tư nước ngoài hiện đang sụt giảm rất nhiều và số còn lại đang có xu hướng dịch chuyển về Mỹ và các nước phát triển, một số còn lại đang phân chia và cạnh tranh giữa các nước trong khu vực. Nước nào tạo được môi trường đầu tư tốt, dòng đầu tư đó sẽ về, không họ đi nước khác.
Hiện nay, Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, Trung Quốc. Trung Quốc họ lập khu thương mại tự do và với một phương châm cũng không cầu toàn.
Riêng khu thương mại tự do của Thượng Hải, Bộ trưởng Dũng kể vừa dẫn các bộ, ngành, địa phương đi thăm về, 12 năm họ sửa 6 lần, càng ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh, đến đâu có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn, không nhất thiết phải hết thì mất cơ hội. Các nước hiện nay đang cạnh tranh rất quyết liệt để tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư thuận lợi cho thương mại và xuất khẩu.
Theo đó, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh có 2 chính sách cần phải đẩy mạnh là thủ tục hành chính và cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần phải dự án.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng hiện đã có 10 địa phương áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, do vậy nên có sơ kết tổng kết để thấy những gì đúng thì cần kiến nghị mở rộng sang địa phương khác.
Ông nhấn mạnh, đặc thù là phải có đột phá, nếu chưa đột phá được thì làm thí điểm. Làm sớm phải có tư duy mới để giải phóng nguồn lực.
Là người gắn bó với quá trình thu hút FDI của Việt Nam, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam với các nước cần đặc biệt chú trọng, điều này đòi hỏi các chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực của Việt Nam phải có sự đột phá, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Về đối thủ cạnh tranh, Ấn Độ với dân số 1,4 tỷ người, là thị trường tiêu dùng khổng lồ mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn. Trong khi đó, ngành công nghệ cao tại Ấn Độ rất phát triển, hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên gia, công nhân làm việc trong ngành công nghệ cao của họ vô cùng tốt. Đó là điểm mà Việt Nam phải nỗ lực cải thiện. Hay Indonesia, dân số lớn gấp 3 lần Việt Nam, GDP cao gấp 2,5 lần, có lợi thế trong nhân công giá rẻ, thông thoáng trong việc phê duyệt các dự án lớn…
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
TP Hồ Chí Minh
Để khu thương mại tự do có thể phát triển được điều quan trọng nhất là hạ tầng, chúng ta phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Mặc dù chúng ta xây dựng là hàng rào cứng nhưng con người qua lại cũng rất nhiều và nó đòi hỏi sự giao thoa và dĩ nhiên khi hàng hóa từ trong khu thương mại đi ra ngoài khu thương mại tự do là phải chịu thuế xuất, nhập khẩu, điều quan trọng là phải làm sao đảm bảo sự kết nối này.
Ông Nguyễn Văn Quảng
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Việc hình thành khu thương mại tự do sẽ tạo đột phá cho phát triển ngành dịch vụ, vốn là lĩnh vực thế mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của thành phố. Khu thương mại tự do có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư. Tuy vậy, một trong những lực cản rất lớn trong thu hút đầu tư chiến lược là thủ tục hành chính. Dù chính sách tốt nhưng thủ tục cứ tuần tự, chắc chắn rằng không có nhà đầu tư nào đồng ý rót vốn. Khi đầu tư vào khu thương mại tự do, trình tự thủ tục đầu tư cần được rút ngắn còn khoảng 2-3 tháng, trong khi thông thường 9 tháng.
Ông Nguyễn Tiến Quang
Giám đốc VCCI Chi nhánh Miền Trung – Tây Nguyên
Với lợi thế của người đi sau, hy vọng rằng, khu thương mại tự do Đà Nẵng khi được hình thành sẽ tích hợp những kinh nghiệm, mô hình thành công của thế giới, có cơ chế và tiện ích vượt trội, góp phần vừa khắc phục những điểm nghẽn, vừa tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung. Khu thương mại tự do vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của TP.Đà Nẵng, vừa là “cầu nối” cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung vốn còn nhiều hạn chế.
Nhật Linh - Link gốc