• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 6:57:20 SA - Mở cửa
Cần chế tài mạnh hơn để xử lý tình trạng "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn
Nguồn tin: vietnamplus | 19/07/2024 10:36:55 SA
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ lớn; chưa có định nghĩa rõ ràng trong nhận diện lỗi vi phạm... là kẽ hở để người tư vấn bán bảo hiểm của ngân hàng cài bán bảo hiểm như một điều kiện để cho vay.
 
 
Cần chế tài chặt chẽ để xử lý những hành vi trục lợi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
 
Việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm.
 
Tuy nhiên, với quy định mới về cấm bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, không ít ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm tỏ ra lúng túng, doanh thu bảo hiểm vì thế cũng ảnh hưởng.
 
Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành. Trong đó, điểm nổi bật là quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN về quy định mới nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhận định câu chuyện "bán bia kèm lạc," ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm "nóng" lên trong thời gian qua cần phải được nhìn lại.
 
Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng này là không ít đơn vị những năm gần đây đã gây sức ép, chạy chỉ tiêu cao nhằm mục đích hưởng lợi từ các khoản hoa hồng chia lại từ các hợp đồng bảo hiểm.
 
Sức ép đạt chỉ tiêu đè nặng lên nhân viên thực hiện, kéo theo đó là câu chuyện về đạo đức kinh doanh đi xuống. Thêm nữa, vị luật sư cũng chỉ ra vấn đề về cạnh tranh giữa các ngân hàng.
 
Lẽ ra để cạnh tranh gay gắt, giành giật khách hàng thì đơn vị nào thủ tục đơn giản, thuận tiện hơn sẽ có lợi thế, đơn vị nào thủ tục phức tạp, ép khách mua kèm sản phẩm không bắt buộc sẽ ít được lựa chọn.
 
Nhưng trên thực tế, khách hàng có nhu cầu vay vốn, hầu như đến đâu cũng bị ép mua bảo hiểm thì mới được giải ngân khoản vay hoặc mua bảo hiểm sẽ được áp dụng lãi suất cho vay giảm 1-2% so với lãi suất niêm yết.
 
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất phải có chế tài chặt chẽ để xử lý những hành vi vi phạm quy định, trục lợi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
 
Ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm qua ngân hàng, trong đó liệt kê cụ thể những hành vi điển hình không được phép làm và những hành vi tương tự...
 
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất nên bắt buộc công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm. Việc kiểm soát chỉ số này mới là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chất lượng hoạt động của kênh bán qua ngân hàng, bởi nếu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai không cao nghĩa là nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vẫn bị “ép” mua.
 
 
(Ảnh: Vietnam+)
 
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, cho rằng đã có quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc khi vay vốn và cũng đã có một số quy định để ngăn chặn tình trạng này.
 
Tuy nhiên chế tài xử lý cho hành vi vi phạm quy định không đủ lớn. Đồng thời chưa có định nghĩa rõ ràng trong vấn đề nhận diện những lỗi vi phạm. Từ đó, tạo ra sự mập mờ khiến những người tư vấn bán bảo hiểm của ngân hàng mượn kẽ hở này để cài vào bán bảo hiểm như là một điều kiện để cho vay.
 
Kể từ đầu tháng Bảy tới nay, đứng trước quy định mới, một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm.
 
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết mỗi ngân hàng đang có một cách hiểu khác nhau về quy định trên.
 
 
(Ảnh: PV/Vietnam+)
 
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank Lê Thị Quỳnh Hoa cho biết sản phẩm bảo hiểm bắt buộc theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chỉ gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng.
 
Tuy nhiên, trong hoạt động tín dụng ngân hàng, tài sản thế chấp phải được tham gia bảo hiểm để đảm bảo an toàn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn về việc liệu sản phẩm bảo hiểm này có thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 5, Điều 15 hay không?
 
Việc tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm đã ngay lập tức ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mảng dịch vụ này.
 
Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank-VBI), cho biết doanh số bán bảo hiểm của công ty này giảm 50% chỉ trong 2 ngày đầu tiên của tháng Bảy.
 
Bà nhấn mạnh rằng nếu không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về điều khoản quy định nghiêm cấm này, doanh số của ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ suy giảm nghiêm trọng.
 
Trong bối cảnh trên, Thông tư số 34/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại.
 
Cụ thể, Điều 14 của Thông tư 34/2024 quy định rằng khi Giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
 
Đồng thời, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.
 
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho phép các ngân hàng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm./.