Hà Nội đang xây dựng 2 dự thảo quy định các vấn đề về đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời hoàn thiện dự thảo về điều kiện tách thửa, hợp thửa trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đây là những dự thảo quan trọng nhằm cụ thể hóa và quy định chi tiết, hướng dẫn đầy đủ các điều, khoản, điểm mà Luật Đất đai năm 2024, Nghị định liên quan của Chính phủ và những nội dung đặc thù của thành phố.
Đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp
Trước hết, với 2 dự thảo quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai, theo vị đại diện Sở TN&MT Hà Nội, có nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Hà Nội đang xây dựng các dự thảo liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cụ thể, các dự thảo dự kiến tập trung rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp hoặc nằm xen kẹt, không có đường giao thông kết nối và việc giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp này. Hay việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Đồng thời, đưa ra các điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định nội dung đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn… Điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất; xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh.
Thành phố Hà Nội ưu tiên sử dụng quỹ đất đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hạn chế việc tách riêng các ô đất quy hoạch nhằm không làm ảnh hưởng đến điều kiện, tiêu chí của quỹ đất còn lại khi thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…
Với những thay đổi quan trọng, 2 dự thảo khi được ban hành sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp thu, các quy định có tính ổn định trên địa bàn thành phố và chỉ phải nghiên cứu một số ít quy định mới của Luật Đất đai năm 2024.
Các quy định tại các dự thảo được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai; xây dựng các khu đô thị, nhà ở theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; lựa chọn được các nhà đầu tư bảo đảm năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.
Đặc biệt, các dự thảo được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất; giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai…
Quy định chặt chẽ về tách thửa, hợp thửa
Bên cạnh việc xây dựng 2 dự thảo trên, Hà Nội cũng đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự thảo này sẽ bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất, dự kiến có 6 chương, 30 điều.
Các quy định về tách thửa, hợp thửa sẽ được quy định rõ ràng hơn, đảm bảo lợi ích, ngăn trục lợi.
Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.
Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.
Về đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m2.
Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m2. Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m2.
Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64-CP (ngày 27/9/1993) của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.
Điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
Để Luật Đất đai mới đạt hiệu quả, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 2523/UBND-TNMT về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành trên địa bàn thành phố…
Đối với các hồ sơ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nhưng đến ngày 1/8/2024 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật và thực tiễn trên địa bàn, không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai của TP. Hà Nội.
Đối với những trường hợp có khó khăn, vướng mắc cụ thể, chủ động kịp thời báo cáo, đề xuất các cơ quan cấp trên theo quy định.
Cùng với các thành phố lớn khác, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị dự thảo và điều chỉnh bảng giá đất mới, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2024.
Mục tiêu là tạo ra hệ thống giá đất minh bạch, công bằng, tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời bảng giá đất mới cần đảm bảo sát thực tế hơn, người dân có thể sẽ nhận được các khoản bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn, từ đó dễ dàng đạt được sự đồng thuận và nhanh chóng bàn giao mặt bằng.
Nam Phong-Link gốc