Để hàng Việt không thất thế trong “guồng máy” bán hàng trực tuyến trên thị trường nội địa và xuyên biên giới, đang rất cần năng lực ứng dụng kỹ thuật số của các chủ doanh nghiệp phải được nâng cao hơn nữa. Song song đó, những mặt yếu về hạ tầng thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu, marketing, liên kết vùng…trong môi trường số cũng nên sớm được khắc chế.
Việc thất thế của hàng Việt so với hàng nhập giá rẻ vốn đang “làm mưa làm gió” trên kênh bán hàng trực tuyến (online) có thể nhìn rõ từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi được mệnh danh là “vựa nông sản” của cả nước.
Từ mặt yếu ở “vựa nông sản”
Như lý giải của bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong vùng ĐBSCL hiện nay vẫn đang có những hạn chế nhất định về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) khi mà hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics cho lĩnh vực này vẫn chưa phát triển đồng bộ. Hoặc như mức độ quan tâm của doanh nghiệp (DN) đối với ứng dụng công nghệ số cho TMĐT cũng hạn chế.
Để hàng Việt không thất thế trên “sân nhà” lẫn “sân khách” giữa “guồng máy” bán hàng trực tuyến, đang rất cần năng lực ứng dụng kỹ thuật số của các chủ DN phải được nâng cao hơn nữa.
Đó là lý do mà chỉ số ứng dụng TMĐT ở vùng ĐBSCL còn chưa cao. Theo bà Lại Việt Anh, nhìn vào Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 sẽ thấy ngoại trừ Cần Thơ là có thứ hạng tương đối cao (đứng thứ 8 trong 58 tỉnh thành được xếp hạng) và Long An đứng thứ 23, còn lại các địa phương khác trong vùng ĐBSCL đều đứng ở thứ hạng từ 30 đổ xuống, tức là ở mức tương đối khiêm tốn.
Điều này cần nhìn nhận với góc độ ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường TMĐT của DN trong vùng ĐBSCL cả đầu thu mua và đầu bán ra vẫn còn nhiều hạn chế. Nhất là còn yếu kém trong việc ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ kênh phân phối trực tuyến ở thị trường nội địa và cho xuất khẩu (XK).
Chính vì vậy, khi bàn về “bài toán” chuyển đổi số trong phát triển TMĐT ở vùng ĐBSCL, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh điều mà các cơ quan quản lý và DN trong vùng cần lưu tâm là phải nắm vững ứng dụng công nghệ số.
“Chẳng hạn như các địa phương trong vùng thường tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để kích cầu hàng hóa, nếu đưa lên môi trường trực tuyến và liên kết vùng mang tính chặt chẽ hơn, tạo thành hội chợ trực tuyến với quy mô đủ lớn thì sự lan tỏa đến thị trường đầu cuối sẽ lớn hơn rất nhiều và hiệu quả đầu ra sẽ tăng lên rất cao”, bà Lại Việt Anh nói.
Hoặc như trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới, theo vị phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, yêu cầu ở những thị trường khó tính (như Châu Âu, Bắc Mỹ) ngày càng tăng, nhất là nâng cao yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong từng khâu của chuỗi sản xuất (từ những nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng đều yêu cầu rất khắt khe), được ví như “hộ chiếu số” cho những sản phẩm XK. Điều đó cần các DN trong vùng ĐBSCL tìm hiểu sâu để ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt.
Mặt khác, bà Lại Việt Anh cho rằng việc ứng dụng công nghệ số cho hoạt động thương mại truyền thống cần được các DN ở vùng này để tâm nhiều hơn. Cụ thể là hoạt động tìm kiếm thị trường trên những sàn TMĐT quốc tế để tìm đối tác và mở rộng được thị trường tiềm năng cho những mặt hàng của DN.
“Song song đó, hạ tầng XK trực tuyến cũng đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin của vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa. Điều này cần nhiều khâu từ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, định vị thương hiệu trên môi trường trực tuyến, cũng như việc ký kết, giao kết hợp đồng, đưa sản phẩm từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối thông qua những kết nối với các sàn TMĐT”, vị Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ.
Đến nâng cao năng lực số
Ngoài vấn đề hạn chế như ở vùng ĐBSCL, theo ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), vẫn còn rất nhiều DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh và các hợp tác xã trên cả nước chưa có cơ hội tiếp cận và ứng dụng TMĐT một cách hiệu quả. Trong khi đó, lĩnh vực TMĐT của Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD.
Do đó, theo ông Kiên, điều cần làm hiện nay là nên thu hút các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) trên khắp cả nước nhằm phát triển năng lực và triển khai ứng dụng TMĐT. Họ cần tận dụng lợi thế công nghệ số để chuyển đổi DN và đời sống kinh tế thông qua đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Theo đó, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được trang bị những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để hiểu rõ xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Từ đó việc phát triển đầu ra cho hàng Việt qua “guồng máy” bán hàng trực tuyến cũng sẽ phù hợp, hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy một nửa dân số trong nước đã và đang dùng các kênh dịch vụ TMĐT cho các mặt hàng khác nhau. Thế nhưng, sản phẩm của nhiều chủ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn gặp thất thế ngay trên “sân nhà” trước hàng nhập giá rẻ (đặc biệt là hàng Trung Quốc) trên kênh bán hàng trực tuyến vì họ chậm bắt kịp nhu cầu số do kỹ năng kỹ thuật số cơ bản vẫn còn thấp.
Một câu hỏi cũng được đặt ra là kênh TMĐT đang ở đâu trong bản đồ phân phối của hàng Việt. Và các DN nội địa cần vận dụng những ứng dụng công nghệ mới như thế nào để tạo lợi thế cho mình trong dòng chảy thương mại trực tuyến?
Trước vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, điều mà các DN Việt nên làm là cải thiện hiệu quả quy trình cung ứng, cải thiện phạm vi sản phẩm và dịch vụ có sẵn cho khách hàng (như sản phẩm bổ sung, lựa chọn thương hiệu), cân bằng nhu cầu sản xuất quy mô lớn và sử dụng quy mô nhỏ, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các nhóm khách hàng khác nhau (phân khúc). Bên cạnh đó, cần thêm giá trị nhằm cung cấp các giải pháp mới và tốt hơn cho người mua (đáp ứng các nhu cầu chưa được đáp ứng).
Ông Hòa nhấn mạnh điều quan trọng là các DN nội địa cần phát triển năng lực số để thu hẹp khoảng cách, cũng như thay đổi tư duy “ngoài khuôn khổ”.
Nhìn chung, sẽ còn nhiều việc phải làm cho các DN nội địa để hàng Việt không thất thế trên “sân nhà” lẫn “sân khách” giữa “guồng máy” bán hàng trực tuyến. Điều quan trọng là họ cần được tăng cường kỹ năng kỹ thuật số. Cùng với đó là việc tối ưu hoá hiệu quả của chuỗi cung ứng trực tuyến, cũng như sớm khắc chế những mặt yếu về hạ tầng TMĐT, xây dựng thương hiệu, marketing, liên kết vùng…trong môi trường số ở các địa phương.