• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.281,41 +10,14/+0,80%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:05:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.281,41   +10,14/+0,80%  |   HNX-INDEX   234,65   +0,88/+0,38%  |   UPCOM-INDEX   93,74   +0,11/+0,12%  |   VN30   1.335,15   +16,74/+1,27%  |   HNX30   514,09   +4,24/+0,83%
20 Tháng Chín 2024 11:09:15 SA - Mở cửa
Hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp muốn ‘nuôi nợ để trả nợ’
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/09/2024 8:32:06 SA

Trong bối cảnh nhiều khách hàng gần như trắng tay vì thiên tai mưa bão, thì kéo dài gia hạn nợ cũng không thể giúp doanh nghiệp trả nợ. Giải pháp cần kíp nhất hiện tại là cho doanh nghiệp, hộ gia đình được vay mới để phục hồi sản xuất, nói cách khác là “nuôi nợ để trả nợ”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để bù đắp cho nguồn vốn “đóng băng” tại các doanh nghiệp do ảnh hưởng của bão lũ,  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại tiếp tục huy động nguồn lực trong xã hội để cho vay. Trong trường hợp ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản, NHNN sẽ dùng công cụ chính sách điều hành tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản và nguồn lực cho các ngân hàng thương mại.

Doanh nghiệp muốn được vay vốn mới

Hiện nay, các ngân hàng đang tập trung đánh giá thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3 để hỗ trợ, trong đó có giãn hoãn ngay các khoản lãi, nợ đến hạn cho khách hàng.

Thống kê của NHNN, hiện nay, tổng dư nợ của khách hàng tại 25 tỉnh bị ảnh hưởng của bão là 2,4 triệu tỷ đồng, trong đó có 94 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão, chiếm hơn 5% tổng dư nợ của 25 tỉnh. 

“Ngành ngân hàng sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất, tập trung đánh giá đối tượng bị thiệt hại để có những chính sách hỗ trợ. Trước mắt, những khoản nợ đến hạn sẽ được giãn, hoãn và tiếp tục cho vay mới cho doanh nghiệp và người dân”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại đưa ra gói tín dụng hỗ trợ tuỳ theo nguồn lực của mình và giảm bớt thủ tục hành chính để cho vay các khoản vay mới.

Theo nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp, giảm lãi vay hay giãn nợ là các giải pháp vô cùng thiết thực với người vay vốn tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Song, trong bối cảnh nhiều khách hàng gần như trắng tay, thì kéo dài gia hạn nợ cũng không thể giúp doanh nghiệp trả nợ, mong mỏi cấp bách nhất lúc này là được vay vốn mới.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Quảng Ninh cho hay: "Hiện rất nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay 0,5-2%/năm với các khoản vay hiện hữu, nhưng điều mà người dân quan tâm nhất không phải là lãi suất, mà là làm sao để ngân hàng an tâm tiếp tục cho vay khi khoản vay cũ chưa trả được và hầu hết tài sản thế chấp không còn".

Để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn tại các ngân hàng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội và có nguồn lực để trả nợ cho ngân hàng, ngày 18/9, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi BIDV, Agribank và Vietinbank về việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng này chịu ảnh hưởng do bão số 3. Trong đó, đề xuất có cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp.

Ngân hàng không thiếu vốn cho vay?

Về vấn đề này, ông Tú cũng cho rằng với những hộ sản xuất kinh doanh thuỷ sản bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có hộ kinh doanh mất trắng tài sản hàng chục tỷ đồng, cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh hơn.

“NHNN đang đề xuất và trình Chính phủ cơ chế xây dựng Thông tư giãn, hoãn nợ cho các khách hàng bị thiệt hại nặng nề để có cơ chế pháp lý cho ngân hàng triển khai, đồng thời chính sách cần đủ thời lượng, thời gian cho doanh nghiệp phục hồi”. 

Theo lãnh đạo NHNN, hiện nay, chính sách khoanh và xoá nợ đã có. Tuy nhiên, chính sách xóa nợ đang áp dụng cho người nghèo vay vốn ở Ngân hàng Chính sách Xã hội. Còn chính sách khoanh nợ cũng đã được ban hành (Nghị định 55/2015/NĐ-CP, được bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP).

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, quy trình, thủ tục khoanh nợ khá phức tạp, thậm chí phải trình Thủ tướng Chính phủ: Hồ sơ khoanh nợ do NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thủ tục khoanh nợ phức tạp, kéo dài, ngân sách có hạn, các ngân hàng e ngại thực hiện vì sợ xảy ra trục lợi chính sách…, nên khả năng được khoanh nợ với người vay khá thấp.

Do việc khoanh nợ không nằm trong tầm tay, nhiều ngân hàng đang tập trung giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ cho khách hàng.

Còn đối với chương trình cho vay mới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để đảm bảo hạn mức tín dụng cũng như nguồn lực nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực thuỷ hải sản hiện nay.

“NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại đưa ra gói tín dụng hỗ trợ tuỳ theo nguồn lực của mình và giảm bớt thủ tục hành chính để cho vay các khoản vay mới”, ông Tú cho hay.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đang nghiên cứu ban hành gói tín dụng với mức lãi suất và quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau bão.

Tương tự, ngoài cơ cấu nợ, giảm lãi suất, Agribank sẽ tích cực cho vay mới để giúp khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh… 

Theo lãnh đạo NHNN, trong năm nay, NHNN xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, đến đầu tháng 9 đã đạt 7,6%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão sẽ tác động khiến hàng trăm nghìn tỷ trong ngành ngân hàng chậm luân chuyển, chậm tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. “Tạm thời nguồn vốn đang bị “đóng băng” do ảnh hưởng bão lũ. Nhưng ngành ngân hàng vẫn bù được nguồn lực này, cũng như nguồn vốn cần tăng thêm cho các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Huyền Anh-Link gốc