Sau khi giảm trong đầu tháng 7, nhu cầu tín dụng từ tháng 8 tiếp tục tăng trở lại khiến nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn để thu hút vốn đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) dự báo: “Tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ có khả năng tiệm cận với các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện”.
Gần 14,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế
Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã đẩy mạnh vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Điều này giúp không ít ngân hàng hiện đã có mức tăng trưởng tín dụng lên đến 15%, cao gấp đôi mức bình quân toàn ngành. Nhiều giải pháp tăng cung ứng vốn đã được hệ thống ngân hàng áp dụng để nâng cao năng lực tài chính đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm.
Theo công ty dữ liệu tài chính Wigroup, các ngành sản xuất như nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng và công nghiệp đã vay thêm gần 35.000 tỷ đồng trong 8 tháng qua. Nhu cầu mở rộng kinh doanh tăng là điều dễ hiểu khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã có nhiều tháng tăng liên tiếp.
Trong năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15%.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết phân tích: "Chỉ số PMI 3 tháng liên tiếp đều ở mức 52, 53, 54, đây là mức cao và ghi nhận mức hồi phục mạnh so với cùng kỳ. Rõ ràng sản xuất, tiêu dùng, thương mại trong nước đang hồi phục tích cực và là yếu tố chính giúp cầu tín dụng gia tăng".
Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 6,63%, tương đương gần 14,5 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng đã được đưa vào nền kinh tế. Để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 15% thì lượng vốn ròng có thể tiếp tục cấp ra là thêm 1,13 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, tăng trưởng tín dụng tại một số địa phương vẫn chậm. Điển hình như TP.HCM đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn mới tăng 4,5% so với cuối năm ngoái.
Ở góc độ thị trường và doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là rất lớn.
Một khảo sát mới đây của HUBA cho thấy có tới 16% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, do thiếu vốn kinh doanh. Khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn vẫn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá ngặt, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm 2024. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đang đối mặt với tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi chủ nợ vay hối thúc.
HUBA thông tin, có tới 45% doanh nghiệp TP.HCM tham gia khảo sát đề nghị Thành phố có chính sách hỗ trợ vốn tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay dù lãi suất huy động trên thị trường đang có xu hướng tăng lên, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa hoàn toàn hồi phục.
Lãi suất cho vay vẫn duy trì ổn định
Mới đây, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tự động nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với những ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu đã phân bổ hồi đầu năm nay. Ngoài ra, các ngân hàng có mức tăng trưởng cao còn gia tăng thêm nguồn vốn từ các kênh khác như chia cổ tức, phát hành cổ phiếu hay huy động thêm dòng vốn ngoại có lãi suất thấp.
Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của nhiều ngân hàng trong ngày đầu tháng 9, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6, 9, 12, 24 tháng) được nhiều ngân hàng điều chỉnh với mức dao động từ 0,1-0,8% tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Tại MB, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, niêm yết ở mức 4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm, tăng 0,2%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3%, niêm yết ở mức 5,7%/năm.
Sacombank tăng lãi suất 0,4% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm.
Trước đó, trong tháng 8 đã có tổng cộng 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,10,8%, bao gồm: Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, Techcombank, VietBank, SHB, PVCombank, VPBank và Nam A Bank. Trong đó, Sacombank, VietBank, Dong A Bank, và Techcombank là ngân hàng đã có 2 lần tăng lãi suất.
NHNN cho biết trên thị trường, một số ngân hàng đã xuất hiện nhiều đợt điều chỉnh tăng lãi suất nhưng phần lớn là kỳ ngắn hạn, còn lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức rất thấp. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 12 tháng, Vietcombank áp dụng mức lãi suất chỉ 4,6%/năm. Ba ngân hàng còn lại thuộc nhóm Big 4 trả lãi 4,7%/năm. Kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm của Agribank và Vietcombank đều niêm yết ở mức 4,7%/năm, tiếp đến BIDV là 4,9%/năm và VietinBank là 5%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, song lãi suất cho vay vẫn được giữ ở mức thấp theo chủ trương định hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của NHNN.
Các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù lãi suất huy động tăng, song lãi suất cho vay nhiều khả năng tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh tín dụng vẫn chưa mấy khởi sắc.
Để hỗ trợ các ngân hàng ổn định mặt bằng lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay, NHNN đã giảm tiếp lãi suất trúng thầu tín phiếu xuống còn 4,15%. Song song với đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt thị trường mở (OMO) để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.
Thực tế, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển từ vay ngắn hạn sang vay trung và dài hạn, nên ngoài việc thu hút tiền gửi của người dân và doanh nghiệp, một số ngân hàng còn huy động thêm nguồn vốn dài hạn từ các giấy tờ có giá khác.
Tính đến hết tháng 8, các ngân hàng cũng đã phát hành gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn không chỉ giúp các ngân hàng đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm, mà còn đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn cho chính ngân hàng.
Thanh Hoa-Link gốc