Theo các nhà phân tích, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu của Nga là “đòn đánh” mạnh nhất của Mỹ nhằm vào ngành năng lượng Nga từ trước tới nay.
183 tàu vận chuyển dầu của Nga bị cấm (Ảnh AP)
Trong khi sự tồn tại của nội các Tổng thống Joe Biden chỉ còn được tính bằng ngày trước khi chuyển giao quyền lực vào ngày 20/1 tới đây, Nhà trắng đã bất ngờ tung ra gói cấm vận nặng nề nhất nhằm vào ngành dầu mỏ Nga.
Ngày 10/1 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất dầu của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga, nhắm vào doanh thu mà Moscow đã sử dụng để vận hành cuộc chiến với Ukraine.
Trong số các tàu mới bị trừng phạt, 143 tàu chở dầu đã vận tải hơn 530 triệu thùng dầu thô của Nga vào năm ngoái, chiếm khoảng 42% tổng lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của nước này. Khoảng 300 triệu thùng dầu đã được vận chuyển đến Trung Quốc, trong khi phần lớn số còn lại được chuyển đến Ấn Độ.
Khi các nước G7 áp dụng mức giá trần với dầu mỏ Nga vào cuối năm 2022, hàng loạt tàu chở dầu của Nga chuyển hướng sang châu Á, trong đó những khách hàng lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhưng bây giờ với lệnh trừng phạt mới, ngay cả các công ty bảo hiểm vận tải dầu bằng đường biển cũng rút lui. Giới quan sát đánh giá, đây là “đòn đánh” nặng nhất nhằm vào ngành công nghiệp chủ chốt của Nga, tầm mức tác động cũng lớn hơn rất nhiều.
Lệnh cấm mới của Mỹ gây hậu quả nặng nề với khách hàng của Nga (Ảnh Reuters)
Liệu có cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra ngay từ bây giờ? Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, nhưng thị trường đã lập tức phản ứng. Vào thứ 2 tuần này, giá dầu thô quốc tế nhảy vọt lên cao nhất trong vòng 4 tháng, với giá dầu Brent tăng 6%, giao dịch trên 81 đô la Mỹ/thùng.
Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,48 đô la Mỹ, tương đương 1,86%, lên 81,24 đô la Mỹ/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 1,53 đô la Mỹ, tương đương 2% lên 78,10 đô la Mỹ/thùng sau khi chạm mức cao là 78,39 đô la Mỹ/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/10.
Giá giao ngay đối với các loại dầu Trung Đông, châu Phi và Brazil đã tăng trong những tháng gần đây do nhu cầu tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ khi nguồn cung dầu của Nga và Iran thắt chặt và trở nên đắt đỏ hơn.
Lượng dầu từ Nga sẽ giảm mạnh, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ phải mua thêm dầu từ Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Điều này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá dầu tăng. Đây Là một yếu tố rất đáng lưu ý với lạm phát.
Theo RBC Capital Markets, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga là một sự bổ sung nguy cơ vào nguồn cung dầu mỏ, làm tăng thêm sự bất ổn cho triển vọng kinh tế toàn cầu quý 1/2025.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng: "Trong mọi kịch bản, tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với giá dầu dài hạn không quá lớn vì chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ ổn định thị trường bằng cách triển khai công suất dự phòng".
JP Morgan nhận định, bất chấp các lệnh trừng phạt mới, Nga vẫn có một số lựa chọn để xoay xở, nhưng cuối cùng sẽ cần phải mua tàu chở dầu không bị trừng phạt hoặc cung cấp dầu thô ở mức giá 60 đô la Mỹ/thùng trở xuống để sử dụng bảo hiểm và tàu chở dầu của phương Tây, theo mức giá trần của phương Tây.