Thị trường chứng khoán Phố Wall đang trải qua một giai đoạn không ai mong muốn.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phiên 13/1, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã có lúc giảm xuống dưới mức trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11/2024. Dù chỉ số này vẫn chốt phiên với mức tăng khiêm tốn, diễn biến này đã phản ánh tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về tình hình lạm phát và triển vọng chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số S&P 500 trong phiên 13/1 đã có lúc rơi xuống mức 5.773,31 điểm, thấp hơn mức 5.782,76 điểm ghi nhận trong phiên 5/11/2024. Phố Wall đã liên tục tăng trong giai đoạn sau đó trước khi bắt suy giảm từ đầu năm 2025.
Sự suy yếu bắt nguồn từ triển vọng kinh tế xấu đi, định giá cổ phiếu cao và những lo ngại về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed. Các chính sách được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất như áp thuế quan lên hàng nhập khẩu và trục xuất người lao động nhập cư cũng đang gây thêm bất an cho nhà đầu tư.
Ông Michael O’Rourke, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới giao dịch JonesTrading, cho biết đây là khi những kỳ vọng lớn tan vỡ trước thực tế, đồng thời lưu ý rằng việc chuyển các lời hứa trong chiến dịch thành chính sách là rất khó khăn. Các nhà đầu tư thường lo ngại về thuế quan vì chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Ông O'Rourke nói thêm rằng "tuần trăng mật” hậu bầu cử Mỹ có thể đã kết thúc.
Thị trường chứng khoán mà ông Trump đối mặt hiện nay đã khác với năm 2017. Các định giá khi đó không quá cao nhưng hiện lại đang ở mức rủi ro. S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ năm 2022, với mức tăng trên 20% trong hai năm 2023 và 2024.
Để so sánh, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chỉ số này chỉ tăng 9,5% vào năm 2016 và 8,5% trong hai năm trước đó.
Sự lạc quan ban đầu xung quanh chương trình nghị sự của ông Trump đã giảm bớt, đặc biệt sau những lo ngại về việc chính phủ có thể đóng cửa và những bất đồng của đảng Cộng hòa về các vấn đề như chương trình visa H1B dành cho lao động có tay nghề cao.
Ông Tom Essaye, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Sevens Report Research cho hay đảng Cộng hòa tuy chiếm đa số ở Hạ viện và Thượng viện nhưng không nhiều, làm tăng thêm lo ngại rằng các sáng kiến chính sách có thể bị chệch hướng. Tình hình như vậy càng kéo dài thì thị trường sẽ càng nghi ngờ khả năng thực hiện các cam kết chính sách trước đó.
Trong khi nhà đầu tư ủng hộ việc bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế, các nhà kinh tế lại xem xét kế hoạch thuế quan và nhập cư của ông Trump có khả năng gây lạm phát. Nếu thành hiện thực, điều này có thể khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn dự kiến.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng các nhà hoạch định chính sách không có lý do gì để "vội vàng cắt giảm lãi suất". Ông cũng cho hay một số nhà hoạch định chính sách đang xem xét tác động của thuế quan, nhưng còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Chuyên gia Dennis DeBusschere của công ty nghiên cứu 22V Research nhận định lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong ít nhất vài tháng, khi chính phủ sắp tới của Mỹ thực hiện các chính sách tài khóa và thuế quan.
Mặt khác, Phố Wall hy vọng việc ông Trump coi thị trường chứng khoán là thước đo thành công của mình có thể hạn chế khả năng ông thực hiện các hành động có thể tác động bất lợi đến thị trường.
Theo ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của tập đoàn dịch vụ tài chính Bahnsen Group, hiện thị trường đang đánh cược rằng các chính sách thuế quan của ông Trump sẽ được sử dụng như một chiến thuật đàm phán. Nếu thị trường có phản ứng tiêu cực, thì việc ông Trump có thể tìm cách đưa ra các giải pháp thay đổi tình thế.
Hương Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Link gốc