Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 17/1 tại châu Á, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp, sau khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ Nga làm giảm nguồn cung, đẩy giá dầu giao ngay và chi phí vận chuyển tăng cao.
Một giàn khoan dầu ở tỉnh Ilam của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 44 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 81,73 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 62 xu Mỹ, tương đương 0,8%, lên 79,3 USD/thùng.
Tính từ đầu tuần tới nay, giá dầu Brent và dầu WTI đã tăng lần lượt 2,5% và 3,6%.
Ông Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities, nhận định: “Những lo ngại về nguồn cung từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu Nga, cùng với kỳ vọng nhu cầu phục hồi nhờ khả năng cắt giảm lãi suất tại Mỹ, đang hỗ trợ thị trường dầu mỏ”. Thêm vào đó, nhu cầu tăng về dầu hỏa do thời tiết lạnh tại Mỹ cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần trước đã công bố các lệnh trừng phạt mở rộng nhằm vào các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu của Nga.
Hai khách hàng lớn nhất của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đang tìm kiếm nguồn thay thế dầu trên toàn cầu, khiến chi phí vận chuyển tăng cao.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi các dấu hiệu gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Chính quyền mới của ông Trump được kỳ vọng sẽ có lập trường cứng rắn với Iran và Venezuela, hai nhà cung cấp dầu thô lớn.
Kỳ vọng nhu cầu mạnh hơn cũng hỗ trợ thị trường dầu, khi lạm phát hạ nhiệt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế Trung Quốc công bố cùng ngày cho thấy tăng trưởng kinh tế quý IV/2024 và cả năm 2024 cao hơn dự kiến, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai. Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2024 đã giảm lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ, trừ năm 2022 chịu ảnh hưởng của đại dịch, do các nhà máy cắt giảm sản xuất để đối phó với nhu cầu nhiên liệu chững lại và biên lợi nhuận thấp.
Minh Trang (TTXVN)
Link gốc