Sáng nay (12/11), Tập đoàn An Phát Holdings (APH) và Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác chiến lược. Đại diện ký kết có ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings và ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex.
Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ hợp tác về cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm, chia sẻ các kênh phân phối, chia sẻ thực hiện các cơ hội đầu tư tiềm năng, đẩy mạnh cùng phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Với năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm của mỗi doanh nghiệp, lĩnh vực nguyên vật liệu nhựa, sản xuất nhựa và công nghiệp phụ trợ trợ hứa hẹn được hợp tác mạnh mẽ, tăng doanh thu, tạo việc làm và gia tăng giá trị cho các cổ đông.
An Phát Holdings được thành lập năm 2002 với ngành nghề kinh doanh cốt lõi đầu tiên là sản xuất bao bì màng mỏng, chuyên phục vụ thị trường xuất khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp mở rộng sang 6 lĩnh vực kinh doanh chính là nhựa sinh học, nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, hóa dầu và xơ sợi. Tập đoàn hiện có 12 nhà máy và trên 2.500 lao động, doanh thu dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Sản phẩm của An Phát Holdings được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ… Hiện tại, công ty đang triển khai dự án xây dựng Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát với những mặt hàng nhựa công nghệ cao, nhựa ép phun, chi tiết nhựa nhỏ phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Mục tiêu chiến lược của An Phát Holdings là trở thành Tập đoàn nhựa kĩ thuật cao, thân thiện với môi trường.
Được thành lập từ năm 1990, Gelex hoạt đông trong 4 lĩnh vực là sản xuất kinh doanh thiết bị điện; logistics; hạ tầng tiện ích và bất động sản. Với trên 4.000 lao động, doanh thu năm 2017 của Gelex đạt trên 12.094 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1.314 tỷ đồng.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.