Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán MB (MBS), trong quý III, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) ghi nhận doanh thu đạt mức kỷ lục 1.240 tỷ đồng, tăng 46%; lãi ròng 63,3 tỷ đồng, tăng 38%. Nguyên nhân đến từ việc chính sách phát huy năng lực sản xuất của nhà máy theo đúng công suất đầu tư ban đầu đã được triển khai từ các quý trước; cơ cấu lại khách hàng tập trung vào khách hàng lớn cho thương hiệu, uy tín như Decathlon, TCP, Handad..; tìm được đơn hàng số lượng lớn, dòng sản phẩm phù hợp với thế mạnh công ty.
Lũy kế 9 tháng, TNG đạt 2.726 tỷ đồng doanh thu và 130,5 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 47% và 49% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu và vượt 2,7% kế hoạch lợi nhuận.
MBS dự đoán năm 2018 TNG đạt doanh thu 3.596 tỷ đồng, tăng 44% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 168,5 tỷ đồng, tăng 47%; EPS ước đạt 3.429 đồng. Sang năm 2019, doanh thu dự phóng đạt 4.135,4 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 195 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 16% so với năm 2018. EPS 2019 ước đạt 3.300 đồng (tính trên vốn mới).
Những yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh khả quan của TNG gồm chính sách phát huy tối đa năng lực sản xuất và thay đổi cơ cấu khách hàng mang lại hiệu quả rõ rệt, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể là cơ hội với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại tự do được kỳ vọng là yếu tố giúp dệt may Việt Nam tăng trưởng trong các năm tới.
Theo MBS, xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu không trở nên quá gay gắt và dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10% nhưng được dự báo là một trong số những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh so với USD, qua đó cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu giá rẻ hơn. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ do cạnh tranh tốt hơn về giá.
Trong các năm qua, Mỹ luôn giữ vững vị trí đầu về nhập khẩu hàng hóa dệt may Việt Nam. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,8 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành (31 tỷ USD). Theo các chuyên gia, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong năm nay có thể đạt từ 13,8-14 tỷ USD.
Ngoài ra, triển vọng khả quan ngành đến từ các Hiệp định thương mại tự do. Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019. EVFTA là một FTA thế hệ mới, có nhiều điểm cải thiện tích cực so với các FTA Việt Nam từng ký.
Cụ thể, EVFTA đề cập tới các khía cạnh khác như phát triển bền vững, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ… EVFTA sẽ loại bỏ hầu hết các dòng thuế giữa EU và Việt Nam. Khi hiệp định có hiệu lực, thuế quan đối với 65% giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU sẽ được loại bỏ và phần còn lại được loại bỏ trong vòng 10 năm. Trong khi đó, 91% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (84% các dòng thuế) vào EU sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tăng lên 99% trong 7 năm tiếp theo. Thủy sản, dệt may, da giày được đánh giá là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực.
Cuối cùng, Hiệp định CPTPP cũng được kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu các ngành dệt may, da giày… Tuy nhiên, CPTPP chưa hoàn thành ký kết giữa các bên và chưa rõ mức ưu đãi thuế cụ thể cho từng mặt hàng xuất nhập khẩu.
Dẫu vậy, MBS cũng lưu ý rằng TNG đang chịu áp lực chi phí lãi vay lớn do tăng cường vay nợ để hoạt động. Tại quý III, nợ vay là 1.584,5 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty đã âm trong 4 năm liên tiếp. Điều này đến từ việc TNG đa số không được đối tác ứng trước tiền mà phải dùng vốn tự có để làm trước đơn hàng. Trong năm 2019, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tăng, có thể ảnh hưởng bất lợi đến khả năng trả nợ và bào mòn lợi nhuận công ty mẹ.
Thùy Yên
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.