Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiword - Mã: DGW) vừa có một năm 2017 khá thành công với mức lợi nhuận sau thuế hơn 78 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ năm trước và vượt 42% kế hoạch năm. Đây cũng là năm đánh dấu 20 năm hình thành, phát triển của công ty, và là dấu mốc khởi tạo hành trình mới khi Digiworld lấn sân sang mảng phân phối thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Năm Mậu Tuất 2018 là năm tuổi của ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Digiworld. Bên chén trà đầu năm, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Việt về chặng đường đã qua cũng như những dự định sắp tới của Digiworld.
PV: Năm 2017, Digiworld tròn 20 tuổi. Nhìn lại con đường đã đi qua, ông đánh giá các bước ngoặt nào đã làm nên thành công của Digiworld?
Ông Đoàn Hồng Việt: Các giai đoạn mang tính bước ngoặt của Digiworld đều bám theo một chiến lược chung, đó là “Going where the growth is” - "nhảy" vào những gì đang tăng trưởng.
Năm 1997, những người dùng cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với Internet, còn trước đó, chỉ có các tổ chức mới đủ điều kiện dùng khiến nhu cầu về máy tính cá nhân tăng trưởng mạnh. “Bắt” được làn sóng đó, Công ty Hoàng Phương (tiền thân của Công ty Digiworld sau này) của chúng tôi ra đời với công việc đầu tiên là đi phân phối các linh kiện để lắp ráp thành PC. Hiểu đúng về thị trường đã giúp công ty có lời ngay từ những quý đầu tiên với số vốn rất nhỏ. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ về sau của Digiworld.
Dấu mốc thứ hai vào khoảng 2001, tôi đi sang Thái Lan thấy người ta dùng laptop khá nhiều. Sự tiện dụng, thuận tiện của laptop đã giúp tôi nhận ra đây chính là xu hướng tất yếu. Và Digiworld bắt tay với các công ty hàng đầu trên thế giới để đưa máy tính xách tay về Việt Nam.
Digiworld cũng là người đã tạo nên sự bùng nổ của thị trường laptop khi thuyết phục Acer hạ giá bán trung bình từ 1.800 – 1.900 USD/máy xuống còn 999 USD/máy (chưa tính VAT). Điều này không chỉ giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc sở hữu một cái laptop, giúp Acer vươn lên số một ở thị trường Laptop Việt Nam trong khoảng 7-8 năm liền, mà còn giúp Digiworld tạo dựng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường tiên phong, hàng đầu Việt Nam, được nhiều thương hiệu lớn tìm đến để hợp tác.
Dấu mốc thứ ba là vào năm 2013, Digiworld nhận thấy sự thay đổi của thị trường điện thoại di động và bắt tay với Nokia để phân phối tất cả sản phẩm của hãng này. Sự hợp tác này đã giúp Nokia đã trở thành thương hiệu ĐTDĐ phổ biến nhất Việt Nam, có thời điểm Nokia chiếm đến 80% tổng thị trường điện thoại cả nước.
Dấu mốc thứ tư chính là năm 2017 vừa qua, chúng tôi nhìn thấy xu hướng mới của thị trường thực phẩm chức năng và tiêu dùng nhanh. Chúng tôi hi vọng, sản phẩm Kingsmen và Công ty CL sẽ là tiền đề để chúng tôi thành công trong hành trình mới, như những điều Digiworld đã làm được trong quá khứ.
Ông vừa nói tới việc đàm phán giá với Acer, với vai trò của nhà phân phối sản phẩm, điều gì khiến ông hành động như vậy?
Bởi vì chúng tôi không định vị mình chỉ là nhà phân phối bình thường. Chúng tôi là những người cung cấp dịch vụ phát triển thị trường.
Nhà phân phối bình thường sẽ chỉ làm hai việc: bán hàng và hậu cần. Còn Digiworld thực hiện cả 5 việc, bao gồm bán hàng, hậu cần, chiến lược (phân tích thị trường và đưa ra chiến lược), marketing (thực thi chiến lược) và hậu mãi. Chúng tôi xây dựng sự cộng tác lâu dài, làm hài lòng tất cả mọi người, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ đến người tiêu dùng.
Với trường hợp của Acer, tôi nhìn ra xu thế công nghệ cho một cái laptop đã chín muồi để họ có thể sản xuất quy mô lớn. Tôi cũng biết giá thành sản phẩm laptop trong tương lai sẽ giảm xuống. Nhưng lúc đó, giá bán đang cao, thị trường còn hạn chế nên các nhà sản xuất chưa mạnh dạn cắt giảm giá thành. Digiworld đã giúp Acer giải quyết được bài toán này để thuyết phục họ đồng hành tạo nên cú hích đột phá trên thị trường máy tính xách tay.
Vậy bây giờ đi vào phân phối thực phẩm chức năng và FMCG, ông đánh giá sao về khả năng thành công của mặt hàng này?
Chiến lược xuyên suốt của Digiworld là đi vào ngành hàng đang có sự tăng trưởng. Sự thành công của chiến lược này đã được chứng minh bằng thực tế khi Digiworld trở thành nhà phân phối ICT lớn thứ 2 thị trường. Với ngành hàng mới, chúng tôi nhận định đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội và tiềm năng. Thị trường còn phân mảnh, nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhưng marketing kém, không đủ khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Digiworld với những thế mạnh của một nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường toàn diện, linh hoạt, đáp ứng đa ngành hàng sẽ có nhiều lợi thế thành công trong lĩnh vực mới này.
Vì sao ông tin rằng thực phẩm chức năng là ngành đang có tăng trưởng?
Không phải là tin mà chúng tôi dựa vào những con số, dữ liệu xác thực để phân tích và nhận định điều đó. Thứ nhất là thu nhập bình quân của người dân thuộc tầng lớp trung lưu tăng từ 15% năm 2015 lên khoảng 30% vào năm 2020, tức gấp đôi. Thu nhập người dân cao hơn, hiểu biết nhiều hơn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng sẽ gia tăng. Thứ hai là dân số Việt Nam đang già đi, họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Số liệu thống kê từ 2000 đến 2017 cũng cho thấy, không chỉ số sản phẩm và cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng tăng trưởng mạnh mà chỉ số tăng trưởng trung bình của ngành dược cũng ấn tượng không kém. Nhu cầu chi tiêu vào sức khỏe cũng tăng lên. Tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trong năm 2015 là 13 tỉ USD, và dự báo sẽ tăng lên 24 tỉ USD vào năm 2020.
Hiện tại, người Việt chỉ chi tiền để chữa bệnh chứ chưa có ý thức chi tiền để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe. Nhưng thói quen này sẽ thay đổi khi chúng ta có thu nhập cao hơn và nhu cầu gia tăng.
Năm 2017 Digiworld mua 50,3% vốn công ty tiêu dùng CL, công ty chuyên phân phối các sản phẩm tiêu dùng nhanh cao cấp của Tập đoàn Lion như nước giặt, nước xả vải, bàn chải, kem đánh răng... Digiworld nhìn thấy tiềm năng gì ở thị trường FMCG?
Ngành hàng tiêu dùng vẫn đóng vai trò trung tâm trong số các ngành có triển vọng tốt tại Việt Nam trong thời gian tới. Cơ cấu dân số thuận lợi, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập trung bình của các hộ gia đình tăng lên… là tiền đề để ngành tiêu dùng nhanh phát triển. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn lựa chọn hàng hóa tiêu dùng của người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn. Những tiêu chí về chất lượng, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ dần được ưu tiên trước so với giá tiền của sản phẩm.
CL với tư cách là nhà phân phối các sản phẩm tiêu dùng nhanh cao cấp của tập đoàn Lion, tập đoàn FMCG hàng đầu Nhật Bản sẽ là đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường. Những sản phẩm có độ hoàn hảo đến từng chi tiết, đạt được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của Nhật Bản sẽ giúp Digiworld tiến thêm một bước dài trong việc mở rộng kinh doanh sang ngành hàng FMCG.
Digiworld sẽ phân phối các sản phẩm của CL qua kênh nào, thưa ông?
Hiện tại sản phẩm của chúng tôi có mặt tại hơn 800 cửa hàng là các chuỗi siêu thị trên toàn quốc và hơn 20.000 kênh bán hàng độc lập, nhỏ lẻ. Cũng cần nói thêm là để lấy được mã số nhà cung cấp từ các siêu thị là chuyện không hề đơn giản nhưng chúng tôi đã làm được. Đây chính là điều thuận lợi để Digiworld thúc đẩy việc lấn sân vào mảng kinh doanh mới.
Với các điều kiện trên, kế hoạch kinh doanh năm 2018 của Digiworld như thế nào và chú trọng vào mảng nào?
Năm 2018, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu thuần dự kiến đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, ngành thực phẩm chức năng và tiêu dùng nhanh sẽ đóng góp 200 tỷ đồng trong cơ cấu doanh thu, gấp 4 lần năm trước. Định hướng trong năm 2018, Digiworld sẽ cho ra mắt 3 dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm dành cho gan và sản phẩm hỗ trợ tuần hoàn máu. Trong đó có một sản phẩm là hàng ngoại nhập.
Kỳ vọng của ông khi Digiworld bước chân vào ngành hàng thực phẩm chức năng và FMCG là gì? Có thể nào trở thành người khai mở thị trường như cách mà Digiworld đã làm với PC, laptop hay điện thoại không?
Chúng tôi không thể trở thành người khai mở thị trường FMCG bởi ngành hàng này đã có “lịch sử” phát triển lâu dài với sự có mặt của hàng loạt “ông lớn”. Nhưng chúng tôi sẽ khai thác những thị trường ngách, những sân chơi đang có cơ hội tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu thị trường bằng những sản phẩm chất lượng và dịch vụ tốt.
Năm mới 2018, kế hoạch của ông cho bản thân, gia đình, công việc ra sao?
Các mục tiêu của Digiworld đã được vạch ra hết sức rõ ràng, tôi cùng các đồng sự sẽ cố gắng thực hiện và biến chúng thành sự thực. Với cá nhân, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể thao và rèn luyện sức khỏe.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
KHỔNG CHIÊM
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.