Tại VietABank, từ tháng 4, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho kahchs hàng cá nhân cao nhất là 9,1%/năm với nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng. Điều kiện áp dụng là khách mua chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng.
Đầu tháng 4, SHB có chương trình phát hành 10.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi cho khách cá nhân, doanh nghiệp, lãi suất 8,9%/năm. Cá nhân mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.
Tại Sacombank, khách hàng cá nhân, tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) được nhận mức lãi suất 8,6%/năm.
BIDV từ tháng 3 cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi.
Trước đó, từ đầu năm 2019, nhiều ngân hàng khác cũng triển khai các chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn với mức lãi suất rất cao. Như tại SeABank, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm (cao hơn 1,5 - 1,7% so với tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn).
LienVietPostBank có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 đến 1%/năm).
Trao đổi vớiNgười Đồng Hành ,TS. Nguyễn Trí Hiếu - Cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - cho rằng xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng trong thời gian gần đây xuất phát từ nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn.
Theo ông Hiếu, khác với tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn huy động từ 2 đến 5 năm. Việc đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi là dễ hiểu trong bối cảnh quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo một lộ trình sắp tới.
Mặt khác, rất nhiều các khoản vay của ngân hàng là trung và dài hạn đặc biệt là cho vay bất động sản trong khi đó, vốn huy động phần lớn đều là ngắn hạn. Điều này tạo ra rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng khiến họ phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn trung và dài hạn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia với việc huy động bằng chứng chỉ tiền gửi mặc dù ngân hàng phải trả một chi phí vốn cao hơn nhưng đổi lại sẽ thu hút một nguồn vốn dài hơn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình. Điều này là cần thiết trong bối cảnh một bộ phận của nguồn vốn dài hạn của các ngân hàng là vốn tự có đang tăng chậm so với tốc độ tăng của tín dụng, đặc biệt là tại các ngân hàng TMCP Nhà nước.
Quốc Thụy
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.