Ngày 8/5, tại hội thảo tiếp cận thị trường vốn Việt Nam do Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đề cập đến sự bất cân đối trong việc định giá và phân bổ vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bao gồm sàn UPCoM đạt 170 tỷ USD trong khi tổng dư nợ tín dụng đạt 310 tỷ USD vào cuối năm 2018. Hiện nay thị trường này vẫn chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với tiềm năng.
Số liệu tính tới 23/4, vốn hóa của 2 sàn niêm yết đạt 145 tỷ USD, tổng vốn hóa cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) theo luật là 72 tỷ USD. Nếu chỉ tính phần cổ phiế free-float, phần vốn hóa NĐTNN sở hữu là 53 tỷ USD. Trong khi đó, hiện nay khối ngoại đang nắm 35 tỷ USD, tương đương “room” còn lại chỉ khoảng 18 tỷ USD.
Thực tế, một nửa room còn lại của thị trường đang nằm ở 5 công ty là nhóm cổ phiếu Vingroup (7,2 tỷ USD), VNM (1 tỷ USD), NVL (0,6 tỷ USD), POW (0,5 tỷ USD), 751 công ty niêm yết còn lại chỉ còn room nước ngoài khoảng 8,5 tỷ USD, như vậy trung bình con số này tại mỗi công ty là 11 triệu USD. “NĐTNN muốn bỏ tiền vào Việt Nam cũng khó, không có hàng hóa để đầu tư”, ông Tuấn nhận định.
Một điểm khác mà ông Tuấn nhấn mạnh là sự mất cân đối trong định giá. Các công ty đầu ngành nhưng hết room thì bị định giá thấp (P/E 8,6 lần) trong khi top 20 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất hiện nay có P/E 22,3 lần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí huy động vốn của công ty.
Lấy ví dụ tại các thị trường khác, ông Tuấn cho biết phần lớn các nước trên thế giới, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 100% tại hầu hết các ngành, chỉ hạn chế tại một số lĩnh vực. Đơn cử như Nhật Bản giới hạn ở ngành truyền hình (20%), hàng không (33,3%) – 2 ngành chỉ chiếm 2% vốn hóa. Ấn Độ đặt trần sở hữu khối ngoại với bảo hiểm (49%), hàng không (74%)… Riêng Thái Lan hiện nay vẫn giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN ở mức 49% nhưng có sản phẩm thay thế là chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR). Theo ông Tuấn, đây là một sản phẩm có tính minh bạch cao, thuận tiện trong giao dịch và không có mâu thuẫn với luật định. Tuy nhiên, nhược điểm là có thể tạo ra cơ hội kiểm soát công ty của nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá quá trình triển khai NVDR của Thái Lan, ông Tuấn cho biết chưa xuất hiện tranh chấp giữa doanh nghiệp với khối ngoại và sự tồn tại của NVDR không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư ngoại không mua cổ phiếu có quyền biểu quyết khi chưa hết room mà lựa chọn mua NVDR.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.