Thành công khởi nguồn từ đam mê
Đồng hành cùng Bamboo Airways từ những ngày đầu, ông Mai Đình Toàn – Phó Tổng giám đốc phụ trách Kỹ thuật của Bamboo Airways là nhân sự chủ chốt của hãng. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia và chứng kiến từng cột mốc có ý nghĩa quyết định sự hình thành và phát triển của hãng cho tới ngày hôm nay.
Từ con số chỉ 1, 2 máy bay ngày đầu khai thác, Bamboo Airways chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay đã sở hữu đội bay đông đảo, gồm máy bay Airbus dòng A320 thế hệ mới, tiến tới bổ sung thêm nhiều máy bay Boeing B787 Dreamliner để sải cánh trên các đường bay quốc tế.
Là người trực tiếp tham gia phát triển đội bay Bamboo Airways, ông Toàn chia sẻ: “Thành tích phát triển ấn tượng của đội bay Bamboo Airways là một niềm tự hào, vì tôi biết rõ đằng sau đó thực sự là một kế hoạch đồ sộ được xây dựng rất tỉ mỉ, bài bản, triển khai nghiêm túc, dưới sự điều hành quyết liệt, từng giờ từng ngày của Ban lãnh đạo, cùng những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh, cống hiến tận tụy ngày đêm của cả một tập thể cán bộ nhân viên Bamboo Airways”.
“Với đặc thù đã làm kỹ thuật hàng không thì phải làm trực tiếp trên trang thiết bị hệ thống máy bay, túc trực thường xuyên giám sát, theo dõi trạng thái kỹ thuật của từng chuyến bay, đo đó phải chấp nhận đi sớm về muộn, làm cả những ngày nghỉ, lễ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm gì khác ngoài hàng không, cũng không mong một nghề nào khác nhàn nhã hơn, bởi đây chính là niềm đam mê từ bé của mình”, ông Toàn cho biết.
Niềm hứng thú về điện, điện tử, cơ khí, và với những thứ có thể bay lượn nảy nở từ thời niên thiếu, cậu bé Toàn ngày đó bị thu hút bởi lĩnh vực hàng không, vũ trụ, đã tự mày mò và tìm hiểu, sáng tạo máy bay mô hình với bộ phận cánh làm từ các tấm xốp cắt mỏng, thân bằng gỗ nhẹ, động cơ cánh quạt được tạo lực bằng dây cao su, đầy mê mẩn.
Say sưa với hàng loạt phát kiến điện, điện tử, bén duyên cùng một ngành vất vả và đòi hỏi tay nghề cao vào loại bậc nhất của ngành công nghiệp sáng tạo, với vị Phó tổng này, được vất vả vì nghề hẳn cũng là một kiểu hạnh phúc của đam mê.
An toàn bay là tối thượng
Vừa đạt cột mốc khách hàng thứ 1 triệu đầu tiên, sắp tới là đón chuyến bay thứ 10.000 nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập hãng, không thể phủ nhận Bamboo Airways đã ghi được nhiều thành tích đáng nể khi mới là một hãng hàng không tân binh, trong đó nổi bật nhất là chỉ số đúng giờ (OTP) trung bình 6 tháng đầu năm 2019 đạt 93,8%, chiếm vị trí đầu ngành hàng không Việt Nam.
Phụ trách kỹ thuật - một trong ba bộ phận quan trọng nhất liên quan đến chỉ số này, bên cạnh bộ phận dịch vụ mặt đất và tổ bay, ông Toàn có một góc nhìn đặc biệt khi đánh giá về các yếu tố quan trọng trong khai thác, đó chính là yếu tố “an toàn”.
“Làm nhiều năm trong ngành, qua quan sát và đúc kết, tôi thấy tuân thủ nguyên tắc điều hành hình tháp, dù ở bất cứ đâu, là nguyên tắc điều hành cốt lõi. Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn, thứ hai là đảm bảo chất lượng, thứ ba là đảm bảo độ tin cậy và thứ tư là đảm bảo hiệu quả. Đối với kinh doanh hàng không, mọi giá trị đều có xuất phát điểm từ sự an toàn, an toàn về kế hoạch, an toàn về kỹ thuật, an toàn trong khai thác và an toàn trong khi bay”, ông liệt kê.
Bay thẳng tới Mỹ là mục tiêu chủ đạo
Sự hào hứng khi nói đến chiến lược phát triển Bamboo Airways của vị lãnh đạo có niềm đam mê về kỹ thuật hàng không thể hiện rất rõ khi được hỏi về định hướng chuẩn hóa đội bay A321NEO và B787-9 mà Bamboo Airways sở hữu.
Đứng từ góc độ kỹ thuật, ông Toàn cho biết hãng tập trung khai thác dòng máy bay Airbus A321NEO và Boeing B787 thế hệ mới, có thiết kế thân thiện môi trường, tiết kiệm 15 – 20% lượng nhiên liệu tiêu thụ, giảm 50% tiếng ồn, nhiều cấu trúc thân cánh làm bằng vật liệu composite siêu bền và nhẹ, động cơ thế hệ mới, tiện ích nội thất cabin hiện đại với hệ thống ghế, thiết bị giải trí cao cấp,…
Là người trực tiếp điều hành dự án Boeing B787-9 của Bamboo Airways, đảm bảo tiến độ lắp ráp máy bay B787 tại cơ sở sản xuất Boeing, vị Phó tổng khẳng định đối tác đang đảm bảo đúng lộ trình cam kết, dự kiến sẽ bàn giao những chiếc 787-9 Dreamliner đầu tiên cho Bamboo Airways vào năm 2020. Mẫu máy bay này sẽ phục vụ đắc lực cho mục tiêu bay thẳng đến Mỹ vào năm 2020 của Bamboo Airways.
“Phía Boeing đánh giá cao và cảm thấy rất hào hứng với kế hoạch của Bamboo Airways, bởi chúng tôi là hãng hàng không mới nhưng có một kế hoạch phát triển đội bay có thể nói là rất tham vọng, táo bạo và đáng tin cậy”, ông chia sẻ.
Ông Toàn cho biết thêm Boeing cam kết sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong việc xây dựng khung tiêu chuẩn, hỗ trợ thủ tục đăng ký cấp phép bay cho B787 với Cục hàng không Việt Nam, huấn luyện đào tạo phi công, kỹ thuật bảo dưỡng và bàn giao công nghệ, giúp tăng tốc quá trình đưa vào khai thác 787-9 Dreamliner.
Dám nghĩ khác – làm khác
Với hơn 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, nắm giữ chức vụ cao tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vị lãnh đạo khiêm tốn cho mình là “người may mắn” với nghề khi được song hành cùng sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.
“Trong ngành này, tôi nghĩ rằng bản chất công việc không thay đổi dù làm ở đâu. Thứ thay đổi, đơn giản chỉ là môi trường làm việc”, ông chỉ ra.
Về với Bamboo Airways, ông cho biết mình nhận thấy ở đây phần đông nhân sự đều rất trẻ trung, xông xáo và đầy nhiệt huyết, được trang bị kiến thức rất tốt về chuyên môn và kỹ năng làm việc, có cách tiếp cận vấn đề mang lại hiệu suất lao động, hiệu quả công việc cao, bên cạnh đấy vẫn đảm bảo giữ vững nguyên tắc, quy chế an toàn của ngành hàng không.
“Với tôi, môi trường trẻ trung này thực sự là thứ xúc tác mạnh mẽ, tác động rất tích cực để tôi tiếp tục hết mình cống hiến. Tuổi tác không quyết định đến sự đóng góp, nếu bản thân mình còn có ích cho sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước, thì tôi luôn sẵn sàng”, ông khẳng định.
Ông cho rằng, có hai yếu tố quyết định rất nhiều đến số phận của một hãng hàng không có thể tồn tại và phát triển vững bền hay không, đó chính là: Nguồn lực và định hướng chiến lược phát triển. Cả hai yếu tố này Bamboo Airways đều có.
“Vào giai đoạn gấp rút, chúng tôi làm việc không có khái niệm ngày đêm. Chúng tôi tự xem Bamboo Airways là một startup hàng không, mà đã là startup thì không có thời gian để chần chừ hay lo lắng; đã đặt ra mục tiêu chiến lược thì phải làm tới cùng, có lúc phải nỗ lực trên 200% sức lực”.
“Ai nghi ngờ chứ chúng tôi thì không. Những lằn ranh và giới hạn cố hữu để phát triển một hãng hàng không thông thường không thể đem áp dụng được vào trường hợp của Bamboo Airways. Với Bamboo Airways, để phát triển nhanh phải nghĩ khác - làm khác, cần có một mô hình phát triển riêng và cơ chế đặc biệt mang tính nền tảng về nguồn lực, thủ tục, pháp lý, là sự thừa hưởng những lợi thế từ Tập đoàn
FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết”, ông Toàn khẳng định.
Trúc Mai
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.