Cuộc chiến thương mại trường kỳ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, và Việt Nam có thể trở thành nơi giới đầu tư gặt hái chiến thắng, theo ông Sandeep Naik, Giám đốc phụ trách thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á tại General Atlantic, nói với CNBC. Ông Naik cho biết các công ty Mỹ đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, và các nước ở Đông Nam Á sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
"Nếu nhìn vào một số lĩnh vực như ôtô và hóa chất, bạn sẽ thấy một lượng lớn cơ hội kinh doanh đang chuyển về Việt Nam. Chúng tôi xem Việt Nam là một điểm đến rất thú vị vào thời điểm này. Làn sóng dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, người dân có thu nhập khả dụng cao hơn, từ đó kích thích xu hướng mới về tiêu dùng", ông Naik nói.
Ngoài ra, vị giám đốc của General Atlantic cũng nhìn thấy cơ hội mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, vì các công ty sản xuất chuyển sang Việt Nam sẽ cần tín dụng. "Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp sản xuất tầm trung, sẽ tạo ra một cú huých cho ngành dịch vụ tài chính", ông nói.
Tuy nhiên, ông Naik lưu ý nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại trong quá trình tìm hiểu cách thức vận hành tại Việt Nam. "Chúng ta sẽ phải nhờ tới người trong cuộc, người mà có thể thực sự giúp chúng ta xử lý các vấn đề đó. Nhưng nếu nhìn vào dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào thời điểm này, bạn sẽ thấy cánh cửa đang mở ra".
Một số chuyên gia khác bày tỏ quan điểm thận trọng về những thách thức khác. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, ông Alexander Feldman, cho rằng thị trường lao động Việt Nam đang thắt chặt, khiến nhiều doanh nghiệp tính chuyển sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, thay vì Việt Nam.
General Atlantic hiện quản lý khối tài sản trị giá khoảng 35 tỷ USD. Công ty này rót vốn chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp (startup) có tiềm năng tăng trưởng lớn trong lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ tài chính, y tế và công nghệ.
Thanh Long/ Theo CNBC
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.