Cuối năm ngoái, Vingroup (HoSE:
VIC) và Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE:
MSN) gây chú ý với thương vụ trong lĩnh vực bán lẻ khi quyết định sáp nhập Công ty VinCommerce, Công ty VinEco với Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings) để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Sau khi công bố thông tin, cổ phiếu
MSN đã có những diễn biến tiêu cực - giảm sàn, với việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng khối lượng kỷ lục.
Cuối tuần qua, Masan Group có buổi trao đổi với các chuyên viên phân tích về kế hoạch phát triển các thương hiệu sau thương vụ nói trên, trong đó, chiến lược phát triển chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ là trọng tâm.
Masan Group nắm giữ 70% công ty hợp nhất
Theo thông tin từ buổi thảo luận, Masan Group sẽ thành lập một phát nhân mới trong năm 2020 sở hữu 83,74% tổng số cổ phần của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) và 85,7% vốn Masan Consumer Holdings. Masan Group là công ty mẹ sở hữu 70% cổ phần và phát hành quyền chọn cho các bên bán VCM nắm giữ tổng cộng 30%. Các bên bán ở đây gồm Vingroup (64,3%) và các nhà đầu tư khác 19,44%.
VCM nắm giữ 100% VinCommerce - công ty sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ và VinEco. Còn Masan Consumer Holdings sở hữu Masan Consumer (UPCoM: MCH) và công ty bia Masan Brewery. Ngoài sở hữu của Masan Group, Singha Asia Holding nắm giữ 14,3% còn lại của Masan Consumer Holdings.
VinMart, VinMart+ sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả hơn là mở rộng số lượng
Tính đến cuối năm 2019, VinCommerce vận hành 3.022 cửa hàng, trong đó có 134 siêu thị VinMart (1.500-5.000 m2/cửa hàng) và 2.888 cửa hàng VinMart+ (siêu thị mini, 80-100 m2/cửa hàng). Doanh thu cả năm tăng 67% so với cùng kỳ đạt khoảng 26.000 tỷ đồng. Kết quả này là một phần nhờ mức tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) 20% tại VinMart và 17% tại VinMart+ cộng với doanh thu từ các cửa hàng mở mới.
Dù có doanh thu lớn, VinCommerce vẫn ghi nhận EBITDA (lợi nhuận trước trước thuế, lãi vay và khấu hao) âm 2.100 tỷ đồng năm 2019, tương ứng với biên EBITDA là âm 7,5%.
VinCommerce vẫn ghi nhận EBITDA năm 2019 âm 2.100 tỷ đồng.
Trong năm 2020, việc mở rộng chuỗi cửa hàng của VinCommerce sẽ diễn ra chọn lọc, trong đó chú trọng vào nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu hơn là mở rộng mạng lưới.
Về kế hoạch riêng cho từng thương hiệu, VinMart dự kiến mở mới 20-30 siêu thị trong khi sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị khác trong nên sẽ có thêm 10-30 siêu thị trong năm 2020. Chuỗi này sẽ tập trung vào các siêu thị dưới 1.500m2 mang lại doanh thu tốt nhất, cắt giảm các siêu thị kém hiệu quả ở Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Cần Thơ; mở rộng vào các thành phố cấp 2 (Tier2) và nằm trong các trung tâm thương mại Vincom.
Chuỗi VinMart+ có kế hoạch đóng các cửa hàng khó tăng trưởng ở TP HCM và các thành phố cấp 2, thay thế bằng các cửa hàng chọn lọc có hiệu quả cao và tiếp tục mở rộng vị thế ở Hà Nội để nắm bắt đà tăng trưởng tốt ở đây. VinMart+ dự kiến mở mới 300-500 cửa hàng trong khi đóng cửa 150-300 cửa hàng kém hiệu quả. Tổng số tăng thêm tương ứng là 100-300 cửa hàng.
Kế hoạch mở các chuỗi cửa hàng của VinCommerce.
Với thương vụ hợp tác, 2 bên kỳ vọng doanh thu VinCommerce sẽ tăng 64% lên mức hơn 42.000 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu đến từ mức tăng 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu và đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020.
Trong đó, doanh số VinMart năm 2020 vào khoảng 17.000 tỷ và VinMart+ là 25.000 tỷ đồng, tương đương với mức tăng lần lượt 48% và 78%.
Về mức sinh lời, kế hoạch biên EBITDA là từ âm 3% đến 0% chủ yếu nhờ công tác thu mua hiệu quả hơn, cải thiện danh mục sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động của các trung tâm phân phối và lợi thế kinh tế về quy mô.
Theo lãnh đạo Masan Group, tình hình hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội, đặc biệt là VinMart+ tốt hơn đáng kể so với các thành phố khác, một phần nhờ sức mạnh thương hiệu của Vingroup tại thủ đô. Ngoài ra, hoạt động của VinMart+ tại Hà Nội hiệu quả hơn nhiều so với các thành phố khác, đặc biệt là TP HCM một phần khác là nhờ ít cạnh tranh hơn từ chuỗi Bách Hóa Xanh của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG). Hiện chuỗi Bách Hóa Xanh với hơn 1.000 cửa hàng đang tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Đến cuối năm 2019, Hà Nội chiếm 34% lượng cửa hàng VinMart và 29% lượng cửa hàng VinMart+. Tập đoàn Masan đánh giá hoạt động của VinCommerce tại Hà Nội đang tiến gần đến điểm hòa vốn EBITDA (đã tính luôn chi phí quản lý doanh nghiệp).
Tỷ lệ lợi nhuận EBITDA tại VinMart và VinMart+ tại Hà Nội âm ít hơn so với các thành phố khác
MEAT Deli sẽ chiếm 50% thị phần tại VinMart và VinMart+ sau 1 năm
Theo số liệu Masan Group, thịt mát MEAT Deli hiện chiếm 6% thị phần tại chuỗi VinMart, VinMart+ (trong đó riêng các siêu thị VinMart tại Hà Nội đã lên tới 60%), với doanh số 90 tỷ đồng năm 2019. Dự kiến sản phẩm này sẽ được tăng tỷ trọng lên 50% và thu về 2.200 tỷ đồng năm 2020.
Trong khi đó, các sản phẩm rau quả của VinEco hiện chiếm khoảng 29% thị phần 2 chuỗi của VinCommerce, đạt doanh số 1.200 tỷ đồng năm 2019. Dự kiến VinEco sẽ nâng thị phần lên 40% so các loại rau quả khác và mang về 3.200 tỷ đồng năm 2020.
Chiến lược chung của Masan Group là giảm bớt tỷ trọng các loại thực phẩm khô, đẩy mạnh bộ đôi thương hiệu MEAT Deli và VinEco thành sản phẩm chủ lực, có vị trí bắt mắt trong cửa hàng VinMart+. Hiện tập đoàn này đang trong quá trình lựa chọn các địa điểm Vinmart+ phù hợp để triển khai bán MEAT Deli.
Mục tiêu mặt hàng tươi sống sẽ tăng tỷ lệ trong VinMart+ lên 35% vào cuối năm 2020 so với khoảng 30% ở thời điểm hiện tại.
Masan Group muốn giảm thực phẩm khô và tăng hiện diện thương hiệu MEAT Deli và VinEco
Huy Lê
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.