• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.279,77 -5,69/-0,44%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.279,77   -5,69/-0,44%  |   HNX-INDEX   227,43   -1,78/-0,77%  |   UPCOM-INDEX   92,14   -0,56/-0,60%  |   VN30   1.358,03   -4,66/-0,34%  |   HNX30   492,99   -5,33/-1,07%
21 Tháng Mười 2024 7:35:20 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp trong làn sóng chuyển sàn niêm yết
Nguồn tin: Người đồng hành | 21/12/2020 10:22:08 SA
Niêm yết trên HoSE giúp cổ phiếu có cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, lọt vào các rổ chỉ số được quỹ ETF mô phỏng, từ đó nâng cao thanh khoản và thị giá. 
Chuyển niêm yết trên HoSE sẽ là bước đi trong hành trình nâng tầm vị thế và uy tín của Vinaconex. 
 
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận hủy niêm yết 441,7 triệu cổ phiếu Vinaconex (HNX: VCG) từ 22/12, nhằm mục đích chuyển niêm yết sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). 
 
Tổng công ty niêm yết lần đầu trên sàn HNX từ giữa năm 2008. Qua hơn 12 năm giao dịch, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng từ gần 1.500 tỷ đồng lên hơn 4.417 tỷ đồng, là một trong những đơn vị lớn nhất trên sàn HNX. Việc chuyển niêm yết sang HoSE sẽ đánh dấu trang mới trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, sau khi cổ đông Nhà nước thoái toàn bộ vốn. 
 
Vinaconex không phải là trường hợp đầu tiên muốn chuyển sàn từ HNX sang HoSE trong năm nay. Cuối tháng 10, Dược phẩm Bến Tre (Bepharco) đã niêm yết trên sàn HoSE sau hơn 11 năm giao dịch cổ phiếu trên HNX. Đầu tháng 11, HoSE cũng nhận hồ sơ niêm yết của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HNX: NHA) và Chứng khoán VIX. Vicostone (HNX: VCS) đã hoàn tất xin cổ đông chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. 
 
Không riêng doanh nghiệp, cổ phiếu ngân hàng ACB vừa sang giao dịch trên HoSE từ giữa tháng 12, trong khi SHB đã nộp hồ sơ từ tháng 9. 
 
Chọn sàn “số một”
 
HoSE lâu nay được biết tới là sàn giao dịch chứng khoán quy mô lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 75% vốn hóa thị trường cổ phiếu, tương đương 63% GDP 2019, theo số liệu mới nhất. Chỉ số VN-Index cũng được coi là đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Với quy mô lớn, cổ phiếu giao dịch trên sàn này có cơ hội nâng cao giá trị giao dịch. Yếu tố này là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn, uy tín lựa chọn niêm yết.
 
Sàn HoSE có nhiều ưu điểm, như quy mô thị trường, số lượng chứng khoán niêm yết và khối lượng giao dịch hàng ngày đều lớn hơn HNX. Các tiêu chuẩn niêm yết tại HoSE cũng cao hơn HNX về các chỉ tiêu như vốn điều lệ, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch. 
 
Đơn cử, doanh nghiệp niêm yết trên HoSE phải có vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng, trong khi HNX chỉ yêu cầu 30 tỷ đồng. Về hiệu quả hoạt động, các đơn vị lên HoSE phải có 2 năm liền kề có lãi, thay vì 1 năm như lên HNX; chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải đạt trên 10% thay vì 5% như HNX.

 
Tiêu chuẩn niêm yết trên HoSE khắt khe nhất trong 3 sàn. Ảnh: HoSE.
 
Một điểm quan trọng khác là các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE phải công bố thông tin khoản nợ đối với công ty người nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan, trong khi trên HNX không yêu cầu. 
 
Với những tiêu chuẩn khắt khe trên, niêm yết HoSE được nhận định góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế và có cơ hội thu hút vốn đầu tư. 
 
Riêng Vinaconex, với tổng tài sản hơn 19.300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9, tổng công ty là một trong những doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lớn trên thị trường hiện nay. Các tiêu chí niêm yết trên HoSE đều được Vinaconex đáp ứng. Doanh nghiệp dự kiến giao dịch cổ phiếu trên HoSE từ ngày 29/12.
 
Tính riêng 9 tháng, lãi sau thuế của Vinaconex đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gấp 3 lần cùng kỳ với 1.399 tỷ đồng. Tổng công ty đã vượt 77% kế hoạch lợi nhuận được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên đầu năm. 
 
Khi nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Nguyễn Ngọc Thanh từng chia sẻ về mục tiêu đưa tổng công ty vào trong top 3 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam. Vị chủ tịch nung nấu mong muốn đưa thương hiệu Vinaconex lên trên nóc các tòa nhà lớn, tại khắp những công trình trong nước. 
 
Với tham vọng xa hơn, ông Thanh nhấn mạnh rằng Vinaconex là một thương hiệu, một tên tuổi, không chỉ xây lắp mà đa ngành nghề. Vinaconex sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chính là xây dựng, bất động và đầu tư. Tổng công ty sẽ là nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản kiến tạo những khu đô thị đáp ứng được môi trường cảnh quan, tạo ra môi trường sống đích thực của người Việt Nam. 
 
Chuyển niêm yết trên HoSE sẽ là bước đi trong hành trình nâng tầm vị thế và uy tín của Vinaconex không chỉ trên thị trường bất động sản, xây dựng mà còn trên thị trường tài chính Việt Nam.

 
Vinaconex đứng trước nhiều cơ hội khi chuyển sàn. Ảnh: Vinaconex.
 
Cơ hội sau chuyển sàn
 
Chứng khoán BSC từng nhận định việc niêm yết trên HoSE giúp các cổ phiếu có thể định giá cao hơn nhờ tình minh bạch về thông tin và thanh khoản tăng. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu có thể lọt vào các rổ chỉ số được các quỹ ETF mô phỏng. 
 
Hiện sàn HoSE có chỉ số như VN30, VN Diamond, VN FIN Lead… được nhiều quỹ ETF giải ngân với tổng giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại cũng có thể đầu tư vào các quỹ ETF mô phỏng các bộ chỉ số, gián tiếp với các cổ phiếu hết “room” ngoại. 
 
VN30 là rổ chỉ số được nhiều quỹ ETF mô phỏng đầu tư với giá trị lớn nhất. Đây là nhóm gồm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất sàn HoSE, thỏa mãn điều kiện tỷ lệ free-float trên 5% và yếu tố về thanh khoản hàng ngày. Một số cổ phiếu sau khi chuyển sàn từ HNX sang HoSE có thể lọt vào rổ này. 
 
Đơn cử với VCG, kết phiên 17/12, mã này có giá 43.500 đồng/cp. Với hơn 402 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Vinaconex hơn 17.500 tỷ đồng, đủ điều kiện nằm trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE hiện nay. Nếu có thể đáp ứng các tiêu chí về tỷ lệ free-float và thanh khoản, VCG có thể lọt vào rổ VN30.
 
Hiện nay, một số quỹ đầu tư ngoại bị giới hạn tỷ trọng hoặc không đầu tư các cổ phiếu trên các sàn HNX hoặc UPCoM. Do đó, niêm yết HoSE vào rổ chỉ số VN30 sẽ là cơ hội để cổ phiếu tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài. Qua đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội thu hút nguồn vốn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. 
 
Niêm yết HoSE sẽ giúp khẳng định vị thế và chất lượng cổ phiếu của doanh nghiệp, từ đó giúp các nhà đầu tư yên tâm, gắn bó với sự phát triển của Vinaconex trong tương lai. 
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức