Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng, SCIC sẽ thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của Vietnam Airlines.
Sáng nay (29/12), Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (
HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020.
Đại hội đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty, kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đồng thời thông qua phương án kiện toàn Hội đồng quản trị của TCTHKVN theo nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Theo đó, Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỷ đồng (hết năm 2020) và 8.242 tỷ
đồng (hết năm 2021). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng; tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, Đại hội cũng đã kêu gọi các cổ đông khác cổ đông nhà nước cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không.
Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay (giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn) theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước (sau khi được Chính phủ phê duyệt).
Đối với công tác kiện toàn Hội đồng quản trị của TCTHKVN, Đại hội thông qua phương án kiện toàn bổ sung chức danh người đại diện phần vốn nhà nước, giới thiệu giữ chức danh Hội đồng quản trị đối với ông Lê Trường Giang – Chánh văn phòng Vietnam Airlines.
Cập nhập kết quả kinh doanh, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, đến cuối tháng 12/2020, doanh thu hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 42.523 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt 32.983 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%).
Số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỷ đồng; trong đó số lỗ của Công ty Mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỷ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Số chuyến bay năm 2020 ước đạt 96.500 chuyến, sản lượng hành khách ước đạt 14,23 triệu khách. Sản lượng hàng hóa ước đạt 194.457 tấn. Chỉ số đúng giờ (OTP) năm 2020 đạt xấp xỉ 90%.
Hãng cũng đã thực hiện thành công hơn 180 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 52.000 công dân Việt Nam về nước từ trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, Vietnam Airlines sẽ tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, bên cạnh việc triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể bao gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính, tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh với nghiệp vụ sale&lease back các tàu bay sở hữu, thoái vốn một phần hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không.
Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ luỹ kế vào năm 2025.