• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.240,41 -9,42/-0,75%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.240,41   -9,42/-0,75%  |   HNX-INDEX   224,62   -0,67/-0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.297,81   -11,37/-0,87%  |   HNX30   477,80   -4,33/-0,90%
04 Tháng Mười Hai 2024 4:34:40 CH - Mở cửa
REE: Tham vọng ngành năng lượng tái tạo của REE đến đâu?
Nguồn tin: Người đồng hành | 24/03/2020 8:34:00 SA
Theo báo cáo thường niên 2019, công ty Cơ điện lạnh (HoSE: REE) trong 5 năm tới có tham vọng trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu vượt mốc 1.000 MW (hiện tại là 515 MW). Trong khi đó, Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2025, các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ đạt 6.290 MW, mục tiêu của REE như vậy có thể chiếm khoảng 16% tỷ trọng điện tái tạo toàn quốc.
 
Quy mô các dự án năng lượng tái tạo của REE
 
Xuất phát từ mảng cơ điện công trình (M&E), REE dần chuyển sang mô hình holdings bằng việc đầu tư, mua cổ phần tại các công ty điện lạnh, bất động sản, văn phòng, hạ tầng điện, nước. Với riêng mảng năng lượng tái tạo, công ty có xu hướng tự sản xuất điện thông qua việc làm chủ đầu tư dự án hay thành lập công ty chuyên về lĩnh vực điện mặt trời.
 
REE có khoản đầu tư đầu tiên vào năng lượng tái tạo là dự án Phong điện Thuận Bình từ tháng 2/2017. Khi đó, công ty đã mua 25% vốn của Công ty Phong điện Thuận Bình.
 
Được biết, Công ty Phong Điện Thuận Bình là công ty thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được thành lập ngày 16/1/2009, có vốn điều lệ 240 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của dự án nhà máy điện gió Phú Lạc, nhà máy điện mặt trời Phú Lạc, nhà máy điện gió Vĩnh Hảo... Hiện Phong điện Thuận Bình còn nghiên cứu và triển khai một số dự án năng lượng tái tạo tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai và Đắk Lắk với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên 1.000 MW.
 
Bình Thuận, Ninh Thuận là khu vực có gió lớn thổi quanh năm, ít bão, vận tốc gió có thể đạt tới 7 m/s. Vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho các dự án điện gió của Phong điện Thuận Bình hoạt động tốt.

 
Các dự án năng lượng tái tạo thuộc Phong điện Thuận Bình
 
Với tiềm năng đó, tháng 11/2019, REE mua thêm 3,9 triệu cổ phần, tương đương 24,1% vốn Phong điện Thuận Bình với số tiền 70 tỷ đồng. Kết thúc thương vụ, REE nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49,1% và là cổ đông lớn nhất tại Phong điện Thuận Bình.
 
REE cũng đang xúc tiến đầu tư dự án Nhà máy điện gió số 3 tại vị trí V1-3 thuộc bãi bồi ven biển, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án này do REE làm chủ đầu tư và sở hữu 100% với tổng vốn đầu tư là 2.120 tỷ đồng. Dự án có công suất 48MW sẽ được triển khai thi công trong quý II và đóng điện vào tháng 9/2021.
 
Lưu ý thêm rằng REE còn sở hữu gần 67% vốn CTCP Phát triển Điện Nông thôn Trà Vinh (UPCoM: DTV). Đây là công ty hoạt động trong phân khúc bán lẻ điện, đồng thời đầu tư và phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với khoảng 123.600 hộ khách hàng, có thể giúp REE tối ưu hoạt động sản xuất và phân phối điện tại địa phương này.
 
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, dựa trên suất đầu tư dự phóng 41 tỷ đồng/MW (trước VAT) và sản lượng điện hàng năm ở mức 158 triệu kWh, dự án mới tại Trà Vinh có khả năng đem lại 175 tỷ đồng lợi nhuận ròng và 205 tỷ đồng dòng tiền ròng bình quân hàng năm trong 20 năm vòng đời dự án. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) dự kiến đạt 17,1%. Dự phóng của MBS chưa bao gồm khả năng M&A và phát triển một số dự án mới cũng như các khoản hoàn tỷ giá đối với các công ty điện trong danh mục đầu tư.
 
Trong năm 2019, REE cũng bước chân vào phân khúc điện mặt trời khi thành lập CTCP Năng lượng Mặt trời REE (REE SE), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà... Mục tiêu đến hết 2021, REE SE sẽ đạt công suất 100 MWp.
 
Cuối năm ngoái, REE SE đã khởi công 5 dự án với tổng công suất 3,2 MWp. Trong đó, 2 dự án đã vận hành thương mại đạt công suất 1,5 MWp, tương ứng doanh thu ghi nhận 205 triệu đồng.
 
Ngoài ra, REEPRO - một công ty con của REE, thuộc lĩnh vực thi công, lắp đặt các dự án điện mặt trời công bố doanh thu 282 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động.
 
Bước vào mảng năng lượng tái tạo, REE trở thành "tay chơi" đáng chú ý trong ngành khi có năng lực tài chính cùng kinh nghiệm phát triển ngành điện trước đây. Doanh nghiệp có quy mô tài sản gần 20.000 tỷ đồng duy trì lượng tài sản thanh khoản cao (tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn)  4.900 tỷ đồng. Năng lượng tái tạo là lĩnh vực cần dòng tiền ổn định từ 5-10 năm. Với thế mạnh tài chính đó, REE dễ dàng hơn trong việc theo đuổi các dự án của ngành này.
 
Ngoài ra, kinh nghiệm từ đầu tư mảng năng lượng (thủy điện, nhiệt điện) và sự tương đồng về môi trường kinh doanh cũng là lợi thế doanh nghiệp khi lấn sân sang mảng điện tái tạo. Không tính năng lượng tái tạo, danh mục đầu tư điện của REE hiện có 12 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư gần 7.700 tỷ đồng. Năm 2019, mảng điện thu về 813 tỷ đồng.
 
Năng lượng tái tạo nhiều triển vọng 
 
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm theo phương án cơ sở trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025. Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).

 
Nguồn: Báo cáo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)
 
 
Một trong những giải pháp nhanh chóng bù đắp được phần điện thiếu hụt là kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Cũng trong báo cáo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương dự kiến tăng tỷ lệ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo từ khoảng 10% trong năm 2020 lên 12,5% đến năm 2025 và 21% vào năm 2030.

 
Nguồn: Báo cáo Quy hoạch điện VII điều chỉnh
 
Bên cạnh đó, vướng mắc lớn nhất là cơ chế giá cũng được giải quyết sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 39/2018 vào tháng 9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, giá bán cho các dự án trên đất liền 8,5 Uscents/kWh, dự án điện gió trên biển lên 9,8 Uscents/kWh, trong khi cơ chế giá cũ là 7,8 Uscents/kWh. Giá bán mới cao hơn, trong khi, chi phí tuabin gió giảm sẽ tạo thuận lợi hơn cho các công ty trong việc kinh doanh, phát triển điện tái tạo.
 
Châu Anh
 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.