Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE:
GVR) ghi nhận doanh thu thuần giảm 20% còn 2.745 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp giảm tỷ lệ tương tự về mức 513 tỷ đồng. Mảng mủ cao su chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu, mảng bất động sản hạ tầng đóng góp lợi nhuận lớn nhất.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến 136% lên 240 tỷ đồng nhờ tăng lãi tiền gửi, lãi bán các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi liên kết cũng tăng 55% nhờ đóng góp tăng của công ty MDF VRG – Dongwha. Các chi phí bán hàng và quản lý cũng giảm nhiều so với cùng kỳ.
Yếu tố bất lợi là chi phí tài chính tăng lên do tăng chi phí lãi vay, thu nhập khác giảm 60% do giảm nguồn thu từ thanh lý cây cao su và tiền bồi thường.
Với biến động của các yếu tố đó, Tập đoàn Cao su có lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ còn 402 tỷ đồng. Được lợi nhờ thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ tăng hơn 8% so với cùng kỳ đạt hơn 226 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Năm 2020, tập đoàn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để làm cơ sở trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 24.647 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.029 tỷ đồng.
Với kết quả trên, doanh nghiệp mới thực hiện khoảng 11% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tập đoàn Cao su hiện có quy mô tài sản gần 77.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền và tiền gửi đến 12.886 tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước này có diện tích cao su kinh doanh vào khoảng 220.733 ha, diện tích KCN hơn 1,4 triệu m2 và diện tích nông nghiệp công nghệ cao gần 3,44 triệu m2. Vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm tỷ lệ 96,77%.
Cổ phiếu
GVR trong các phiên gần đây có sự hồi phục tốt từ 8.380 đồng/cp cuối tháng 3 lên 10.800 đồng/cp như hiện tại, tương ứng tăng gần 30%.