Được biết đến là những "cá mập" có sức ảnh hưởng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mọi hành động của các quỹ đầu tư đều được theo dõi sát sao bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chỉ một dấu hiệu tiêu cực từ các nhà đầu tư lớn này cũng có thể khiến thị trường tổn thương nặng nề, bởi đặc điểm "đi tiền lớn" nên hầu hết các quỹ đều phân bổ danh mục vào các cổ phiếu bluechip trong VN30.
Tranh thủ tái cơ cấu
Một trong những thương vụ lớn thu hút được sự chú ý của giới đầu tư là cuộc tháo chạy của một loạt quỹ ngoại khỏi cổ phiếu SVC của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) - nhà bán lẻ ô tô lớn nhất thị trường Việt Nam.
Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này vẫn ghi nhận 47,79% vốn, nhưng đến nay đã giảm về chỉ còn hơn 4%, hàng loạt quỹ đầu tư đã không còn là cổ đông lớn.
Gần đây nhất, Endurance Capital Vietnam I Ltd - cổ đông nắm giữ 4,57% vốn Savico đã thông báo về việc bán ra toàn bộ số cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp này. Lý do bán ra là để tái cơ cấu danh mục đầu tư, và lệnh bán được thực hiện thông qua cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn.
Trong tháng 4, Quỹ Probus Opportunities cũng đã bán phần lớn cổ phần nắm giữ tại Savico để giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,3% xuống 0,5%; Finansia Syrus Securities Public Company Limited liên tiếp bán lượng lớn cổ phiếu SVC trong quý I và đầu tháng 4.
Sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến việc nhóm quỹ ngoại thuộc quản lý của Dragon Capital, bao gồm Amersham Industries Limited, Grinling International Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra toàn bộ hơn 23 triệu cổ phiếu PC1, tương ứng 14,4693% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành và không còn là nhóm cổ đông lớn của CTCP Xây lắp điện I (PCC1, mã: PC1).
Giao dịch thực hiện ngày 11/5/2020. Đáng chú ý, sau khi thị giá PC1 giảm mạnh liên tục từ đầu năm xuống 10.000 đồng vào cuối tháng 3, thời điểm nhóm quỹ của Dragon Capital thoái vốn cổ phiếu PC1 đã phục hồi hơn 70% lên hơn 17.000 đồng/cp.
Không chỉ thoái vốn tại PCC1, hồi tháng 4 vừa qua, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cũng đã bán gần 9,3 triệu cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Động thái bán ra của nhóm quỹ Dragon Capital cũng là điều dễ hiểu, bởi cổ phiếu NKG liên tục lao dốc từ vùng đỉnh 10.000 đồng/cp xuống mức 4.400 đồng/cp vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, tại thời điểm các quỹ "tháo chạy", cổ phiếu này cũng đã kịp thời hồi phục gần 20%.
Cùng thời điểm, VinaCapital và Pyn Elite cũng gây chú ý với thương vụ thoái vốn tại "ông lớn" BOT Tasco. Cụ thể, Pyn Elite đã bán 20 triệu cổ phiếu HUT giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,83% xuống còn 2,39%; trong ngày 17 và 20/4, thành viên Windstar Resource của VinaCapital đã bán ra tổng cộng 6,2 triệu cổ phiếu HUT thu về hơn 10 tỷ đồng khi đã giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 8,3% xuống còn 5,99%.
Ngoài ra, các cổ phiếu khác như FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, SFI của CTCP Đại lý Vận tải Safi, DIC của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC... cũng bị nhiều quỹ đầu tư bán ra trong nửa đầu tháng 5 để tái cơ cấu danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu.
Chỉ là sự dịch chuyển của dòng tiền
Kinh tế toàn cầu năm 2020 vốn ban đầu được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà tăng trưởng từ chu kỳ 2009 - 2019 nhưng mọi thứ đã bị đảo lộn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh lan rộng ở quy mô hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đang là thử thách chưa từng có của thế giới kể trong hơn 100 năm qua.
Đại dịch này ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tác động tới nền kinh tế các nước trên bình diện vĩ mô, cũng như hoạt động tài chính của các doanh nghiệp và người dân trên bình diện vi mô.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài xu thế, diễn biến tiêu cực của thị trường trong những tháng đầu năm đã khiến không ít quỹ đầu tư - vốn được xem là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, rơi vào tình trạng thua lỗ.
Do đó, động thái "tháo chạy" ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hồi phục trở lại nhờ hiệu ứng của dòng tiền đến từ các nhà đầu tư cá nhân mới của nhóm các quỹ lớn trên thị trường là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, dòng tiền chỉ là chuyển từ cổ phiếu này sang cổ phiếu khác chứ không hề rời khỏi thị trường. Cụ thể, trong khi liên tiếp thoái vốn tại các khoản đầu tư lâu năm, 2 quỹ đầu tư lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là VOF - VinaCapital và VEIL - Dragon Capital lại đang dồn hết sự chú ý vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát.
Câu chuyện hấp dẫn của một nhà sản xuất thép tầm cỡ nhất nước với lợi thế về quy mô, giá cả cùng kỳ vọng hưởng lợi trước làn sóng đầu tư công để kích thích kinh tế sau đại dịch, đã kích thích được dòng tiền.
Hay như thời gian gần đây, các quỹ cũng tích cực rót tiền vào nhóm cổ phiếu hàng không, đặc biệt là ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, bất chấp đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp bởi đại dịch Covid-19.
Trong đó, PYN Elite và VinaCapital là 2 đơn vị tích cực nâng sở hữu tại ACV, bởi cho rằng đây là doanh nghiệp có vị thế tài chính vững chắc khi sở hữu lượng tiền hàng chục nghìn tỷ đồng và gần như độc quyền trong mảng kinh doanh dịch vụ hàng không, phi hàng không tại các sân bay.
Ngoài ra, ngân hàng và bất động sản - 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu Vn-Index, cũng nhận sự ưu ái của các quỹ. Tính đến cuối tháng 4/2020, 7/10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL - Dragon Capital, 5/12 của PYN Elite Fund, 4/10 của Vietnam Holding là những cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.
Trong khi đó, cũng có những quỹ chọn hướng đi riêng biệt như AFC Vietnam Fund nhắm đến những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có định giá rẻ dựa trên lợi nhuận và giá trị sổ sách (P/E và P/B).