Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 25/5 ấn định tỷ giá trung tâm nhân dân tệ (CNY) so với USD ở 7,1209, giảm 270 pip, tương đương 0,38%, so với mức 7,0939 hôm 22/5. Đây là tỷ giá thấp nhất kể từ ngày 28/2/2008. Ngày 26/5, PBOC tiếp tục hạ giá nhân dân tệ, tỷ giá trung tâm còn 7,1293.
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tránh vũ khí hóa nội tệ của họ”, một chiến lược gia tại một công ty môi giới Mỹ nói. “Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến nhân dân tệ”.
PBOC từng để CNY suy yếu đáng kể trong năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng nhất. CNY mất giá giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc xóa bỏ phần nào ảnh hưởng từ việc bị Mỹ áp thuế.
CNY/USD mất mốc 7 lần đầu tiên trong 11 năm hồi đầu tháng 8/2019. Bộ Tài chính Mỹ lập tức coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, dấy lên nguy cơ biến chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau đó đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1, Mỹ gỡ mác “quốc gia thao túng tiền tệ” với Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết tuân thủ thỏa thuận.
Tuy nhiên, căng thẳng lại gia tăng giữa thời Covid-19. Trung Quốc đề xuất áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong, hình sự hóa nhiều hành động công kích Bắc Kinh tại đặc khu hành chính này. Các thị trường đang chuẩn bị tinh thần cho việc thương chiến quay trở lại. Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Thành phố này được điều hành theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, có mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Để CNY suy yếu có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ. Chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro.
Năm 2015, CNY mất giá khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, gia tăng gánh nặng lên các công ty có vay nợ bằng USD. Bất ổn liên quan CNY làm gia tăng nhu cầu ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối giảm, vì nỗ lực ngăn dòng vốn thoát ra ngoài, càng khiến thị trường thêm lo ngại, dẫn đến vòng luẩn quẩn tiêu cực.
Nhà chức trách Trung Quốc sau đó tăng cường thắt chặt kiểm soát dòng vốn và dường như tự tin rằng lần này, họ có thể ngăn vòng luẩn quẩn trên. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc vẫn đang có lượng lớn nợ bằng USD. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chú ý, đặc biệt là khi xem xét đến xuất khẩu và nợ ngắn hạn.
Dòng vốn rời khỏi Trung Quốc trong tháng 3 và 4 là hơn 50 tỷ USD, theo một ước tính.
PBOC ấn định tỷ giá trung tâm hôm nay ở 7,1092, đồng nghĩa CNY đã tăng giá so với hôm qua, cho thấy nhà chức trách Trung Quốc không thoải mái khi nội tệ suy yếu, theo Reuters.
Với nhà đầu tư, CNY suy yếu cũng mở ra một số cơ hội.
Nội tệ của Trung Quốc đang tiềm ẩn “giá trị”, theo Khiem Do, trưởng bộ phận đầu tư Trung Quốc đại lục tại Barings. “Trong 12 tháng tới, chúng tôi tin CNY sẽ được giao dịch ở tỷ giá 6,8 – 7,2 so với USD”.