Sáng ngày 27/6, Hàng không Vietjet (HoSE:
VJC) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu
Năm 2020, Vietjet trình kế hoạch doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm, hãng khai thác 90 tàu bay, tăng 12 chiếc so với cuối năm 2019. Tổng số chuyến khai thác 118.000 chuyến bay và phục vụ 20,2 triệu hành khách.
Năm 2020 là năm nhiều khó khăn với ngành hàng không khi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo doanh thu toàn cầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) . Trong nước, các đường bay quốc tế tạm dừng từ cuối tháng 3 và chưa có lịch trình mở lại. Trong đó nhiều doanh nghiệp dự tính lỗ lớn như Vietnam Airlines ước tính lỗ 15.000 – 16.000 tỷ đồng, Pacific Airlines là 1.200 tỷ đồng. Bamboo Airways chưa đưa ra con số dự kiến, tuy nhiên, hãng ghi nhận khoản lỗ 1.500 tỷ đồng vào quý I.
Riêng Vietjet từ đầu năm đến nay đã khai trương thêm 8 đường bay mới, nâng tổng đường bay nội địa lên 53 đường. Nhờ tiết giảm chi phí nên doanh nghiệp báo lỗ 989 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vietjet.
Năm ngoái, hãng hàng không tư nhân này có doanh thu hợp nhất 50.603 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% và lợi nhuận trước thuế là 4.569 tỷ đồng, giảm 11%. Hãng có 44 đường bay trong nước và 95 đường bay quốc tế, vận chuyển nội địa với 25 triệu lượt khách, tăng 8% so với năm 2018.
Với kết quả đạt được, Vietjet quyết định sẽ chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp kiến phát hành gần 262 triệu cổ phiếu mới và tăng vốn điều lệ lên trên 8.000 tỷ đồng.
Cũng trong phương án phân phối lợi nhuân 2018, doanh nghiệp dự kiến trích 1.354 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 3/2018 với tỷ lệ 25%. Trước đó Vietjet đã chia cổ tức năm 2018 qua 2 đợt với tỷ lệ 30%, như vậy tổng tỷ lệ cho năm 2018 là 55% bằng tiền.
Chuẩn bị sớm các kịch bản ứng phó Covid-19
Về hành động năm 2020, Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh cho biết thời gian tới Vietjet có thể hợp tác với một đối tác lớn nhất thế gới để thực hiện bay thẳng đến Mỹ nhằm tăng doanh thu và hỗ trợ tốt cho kết quả kinh doanh. Hãng cũng tiếp tục phát triển đội tàu lên con số 90, tiết giảm mạnh chi phí, phát triển các kênh mới dẻ đa dạng hóa nguồn thu.
Ông Khánh nói rằng ngay từ khi dịch bệnh bệnh đến, Vietjet đã ngay lập tức lập ra "Chương trình hành động quản lý và hạn chế rủi ro." Do đó, Vietjet đi qua dịch Covid-19 một cách nhẹ nhàng do chuẩn bị sớm các chương trình, kịch bản sẵn về dòng tiền, vận hành, tỷ giá…
“Tôi tự hào Vietjet là 1 trong những airlines (PV- hãng hàng không) quản lý rủi ro tốt nhất trong đợt dịch rồi. Chúng tôi đa kích hoạt Ban điều hành khẩn nguy vào 23/1, tức chỉ 4 ngày sau khi Trung Quốc công bố dịch. Do quản lý rủi ro chặt chẽ nên hạn chế được ảnh hưởng và không có nhân viên nào bị dương tính với Covid-19”, ông nói thêm.
Đối với bộ phận nguồn vốn, Vietjet đã tập trung điều hành dòng tiền, giãn thời hạn trả nợ và cơ cấu nợ vay, gia tăng hạn mức lưu động, thu xếp vốn cho đầu tư tài sản trung dài hạn. Ông Khánh khẳng định đây là thời điểm tốt nhất tập trung giảm thiểu tốt nhất các chi phí với nhà cung cấp, đối tác hợp tác. Công ty cũng làm việc với các cơ quan nhà nước để giảm thuế phí.
Ngoài ra, Vietjet còn đưa ra các sản phẩm kinh doanh mới như thẻ vạn năng Power Pass… Mở mới thêm 8 đường bay nội địa giúp tăng số lượng thêm 18% so với năm 2019. Vietjet cũng là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC) với doanh thu khoảng 200 tỷ đồng.
Về tầm nhìn 3-5 năm, ông Khánh khẳng định Vietjet sẽ trở thành hàng hàng không chi phí thấp hàng đầu thế giới với thương hiệu uy tín toàn cầu. Hãng sẽ mở rộng khai thác tại châu Á và mở rộng đến thị trường Âu-Mỹ.
Thảo luận
Kế hoạch có lãi 100 tỷ đồng dựa trên cơ sở nào để lập kế hoạch? Thông tin thêm về tình hình tài chính của Vietjet? Doanh thu mảng phụ trợ của Vietjet có dư địa phát triển như thế nào?
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Chúng tôi có chiến lược dài hạn về tăng trưởng cao nhưng bền vững và quản trị rủi ro chặt chẽ. Cơ sở xây dựng kế hoạch trong khủng hoảng dựa trên nguồn lực tích lũy về hệ thống quản trị, vận hành, nguồn lực quản trị rủi ro và nguồn lực tài chính.
Vốn điều lệ của Vietjet hơn 5.000 tỷ nhưng vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng, tiền mặt luôn duy trì mức cao 200-300 triệu USD. Sức khỏe tài chính luôn duy trì ở một giới hạn tốt nhất trong số các hãng hàng không trên thế giới về các chỉ số thanh toán nhanh, hay tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,69 lần trong khi hàng không thế giới ở mức 3-5 lần.
Kế hoạch cũng thuận lợi nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đã bắt đầu triển khai và đi vào kết quả các hãng hàng không như miễn giảm, hoãn nộp thuế phí trong năm 2020. Các bộ ngành cũng có kiến nghị cụ thể để có các hỗ trợ cho ngành hàng không.
Hàng không nội địa hiện đã hồi phục hoàn toàn, thậm chí tăng so với năm trước. Các đường bay quốc tế đang được xúc tiến để mở lại sớm nhất, hàng không đi đầu trong khôi phục kinh tế nên có thể được ưu tiên hỗ trợ. Trong quý I công ty có công bố kết quả kinh doanh khả quan so với toàn ngành, trong quý II có kết quả ước tính tốt hơn quý I.
Mảng doanh thu phụ trợ có lợi thế là không phát sinh chi phí vận hành, khai thác. Công ty đã xây dựng tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu theo mỗi năm. Tỷ lệ năm 2018 là 25%, năm 2019 tỷ lệ được nâng trên 30% và năm 2020 có thể triển khai thêm các mảng kinh doanh phụ trợ khác như vận chuyển hàng hóa nội địa, mỗi ngày bình quân lên đến hàng trăm tấn hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa quốc tế vẫn duy trì từ suốt trong đại dịch chứ không dừng lại như vận chuyển hành khách đến các thị trường châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… để tăng doanh thu nội địa.
Công ty cũng tự triển khai dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài và cũng có kế hoạch triển khai tại một số sân bay khác. Khi chúng tôi tự chủ dịch vụ này thì mảng phụ trợ sẽ có cơ hội để tăng trưởng thêm.
Nhận định thị trường hàng không Việt Nam sau Covid-19? Tiến độ bàn giao máy bay Boeing 737?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngành hàng không Việt Nam đang hồi phục ở thị trường nội địa, thậm chí tần suất và sản lượng cao hơn trước dịch. Mảng quốc tế dần dần mở ra với các chuyến bay chuyên chở các khách có nhu cầu, chuyên gia…
Chúng tôi cũng thấy những động thái của Nhà nước với điều hành ngành hàng không như tạm ngừng cấp phép cho các hãng hàng không mới để củng cố hệ thống quản lý và hạ tầng ngành hàng không. Các hạ tầng hàng không cũng được thúc đẩy tiến độ đầu tư tại Tân Sơn Nhất hay Long Thành. Một loạt các chương trình kiểm soát đại địch tạo điều kiện hàng không phát triển.
Về nhận máy bay, vấn đề sản xuất máy bay là câu chuyện của cả thế giới. Việc nhận hay không thì phụ thuộc vào ngành sản xuất máy bay đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chuỗi cung ứng toàn cầu của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các nhà sản xuất đã có thay đổi lịch bàn giao trên toàn cầu nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sản xuất trên thế giới.
Ngoài ra, Vietjet đang tiến hành thương lượng với Airbus để nhận được tàu bay trong giai đoạn này khi các hãng khác đang giãn kế hoạch nhận tàu. Giai đoạn này Vietjet có thể thương lượng thương mại tốt hơn. Chúng tôi không những dừng mà tiếp tục các chương trình mua, sở hữu tàu bay. Những chính sách tốt của Nhà nước cũng giúp hãng có điều kiện phát triển đội tàu.
Các chương trình mới và cải thiện hoạt động ra sao?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngoài một số hoạt động đã chia sẻ trên, chúng tôi có thêm hoạt động mới là tiến hành tham gia đầu tư mua nhiên liệu bay trong giai đoạn giá nhiên liệu giảm xuống. Khi giá dầu giảm, chúng tôi có mua lại và dự trữ trong kho để sử dụng thời gian tới. Chi phí của Vietjet sắp tới có thể giảm xuống do việc mua dầu dự trữ và hedging (đầu cơ) khi giá dầu rơi xuống mức thấp nhất lịch sử.
Về cải tiến chất lượng vận hành khai thác, chúng tôi một lần nữa khẳng định chất lượng của Vietjet là thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn dầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công nhận bằng các cơ quan giám sát độc lập.
Đại hội kết thúc với mọi tờ trình được thông qua.