Sáng 29/6, tại phiên họp cổ đông thường niên 2020 của Vinaconex (HNX:
VCG), vấn đề tái cấu trúc phần vốn tại liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) được đưa ra thảo luận.
HĐQT Vinaconex đánh giá cơ cấu vốn góp 50% - 50% của 2 thành viên là Vinaconex và Địa ốc Phú Long sẽ có bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu đều phải đạt được sự đồng thuận giữa 2 bên. Đây là một trong những lý do gây ra sự đình trệ của dự án.
Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính lên đến 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính cũng như số lỗ lũy kế hàng năm. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex trên thị trường, nhất là tại một dự án vốn được đánh giá tiềm năng như khu đô thị mới Bắc An Khánh.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex, cho biết thêm vấn đề tại An Khánh JVC đã kéo dài rất lâu, sự không nhất trí kéo dài không có lợi cho Vinaconex và cổ đông. Do đó, HĐQT tính đến việc chuyển nhượng dự án cho Sovico - công ty mẹ của Địa ốc Phú Long. Nếu Sovico không đồng ý, công ty sẽ tìm đối tác khác để bán. Đồng thời, HĐQT cũng tính đến phương án có thể mua lại với giá hợp lý.
"Tôi muốn kết thúc vấn đề tại An Khánh JVC trong năm 2020, để ăn Tết cho ấm no. Họ bán thì mình mua, họ mua thì mình bán", ông Thanh nói.
HĐQT đề ra 2 phương án tái cấu trúc. Phương án 1, Vinaconex đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác có nhu cầu, thu hồi vốn và đầu tư vào các dự án tiềm năng khác. Phương án 2, Vinaconex đàm phán mua toàn bộ phần vốn của Địa ốc Phú Long để chủ động điều hành và triển khai dự án.
Dòng tiền âm do đẩy mạnh đầu tư dự án
Năm 2020, HĐQT trình kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập đạt 9.530 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu 820 tỷ đồng, tăng 4%. Công ty trình chia cổ tức năm 2020 tỷ lệ 12% và năm 2019 là 6% bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo cũng trình cổ đông xem xét phương án phát hành 66,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu trên tương đương 15% vốn, tức là cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được quyền mua 3 cổ phiếu mới.
Số tiền 994 tỷ đồng dự kiến thu về được dùng để triển khai dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên), làm vốn đối ứng cho công ty tham gia vào các dự án BOT...
Chia sẻ một số vấn đề về tình hình tài chính doanh nghiệp, ông Thanh cho biết các hoạt động đầu tư cần cần có thời gian để hoàn vốn và thu lợi nhuận. Năm 2019, tổng công ty đã thực hiện nhiều dự án đầu tư mà chưa mang lại lợi nhuận.
Ông Thanh lấy ví dụ Vinaconex đấu thầu dự án tại Phú Yên giá trị 600 tỷ đồng, trả tiền ngay; mua khu đất tại Quảng Nam và nhiều dự án bất động sản tại Móng Cái (Quảng Ninh). Người đứng đầu Vinaconex cũng cho biết nhiều dự án chuẩn bị đầu tư cần chi lượng tiền để tư vấn, đánh giá thị trường.
Chủ tịch Vinaconex đánh giá công ty có nguồn vốn hợp lý. Công ty dùng tiền gửi tại các ngân hàng để lấy lãi, đầu tư tài chính. Tuy nhiên, lượng tiền đó là không đủ để công ty triển khai và tham gia vào các dự án mới, là lý do cần tăng vốn điều lệ.
Công ty đang tăng cường đầu tư để tăng trưởng, với xin tham gia nhiều dự án tại Việt Nam. Hiện nay, Vinaconex đang có suất tham gia 5 gói thầu BOT tại các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. "Chúng ta trúng gói nào sẽ làm gói đó, điều này cũng còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp", ông Thanh nói. Các dự án phát triển sân bay, Vinaconex cũng mong muốn tham dự.
Mặt khác, việc tăng vốn theo ông Thanh cũng nhằm tăng vị thế của Vinaconex, nâng vị thế để tham gia vào các dự án đầu tư công lớn. "Các công ty vốn nhỏ không có vé vào cửa", ông Thanh nói.
Việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng được gửi đến cổ đông. Mục đích thay đổi nhằm tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế và tạo uy tín, cơ hội thu hút các vốn đầu tư mới, mang lại lợi ích cho cổ đông.
Tranh luận về quyền lợi cổ đông lớn
Tại đại hội, vấn đề về minh bạch và đảm bảo quyền lợi của cổ đông lớn Cường Vũ nắm hơn 21% vốn và Star Invest giữ hơn 7% vốn, tiếp tục được cổ đông đặt ra.
Ông Thanh khẳng định, HĐQT luôn đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông lớn theo đúng quy định pháp luật. Các ý kiến của đại diện cổ đông lớn trong HĐQT luôn được tiếp nhận. Nếu có ý kiến bất đồng, quyết định của HĐQT sẽ được thực hiện theo quy định.
Theo ông Thanh, đến nay các cổ đông ngày càng đoàn kết hơn. "Chuyện không đồng ý điểm này điểm kia là bình thường. Liên hợp quốc còn hơn thế". Tuy nhiên có những vấn đề không thể "muốn là được" và cần tuân thủ pháp luật.
Vị chủ tịch cũng nhấn mạnh nếu cổ đông có ý kiến chưa thỏa mãn liên quan đến quyền lợi của cổ đông lớn có thể gửi đến công ty bằng văn bản và ban kiểm soát sẽ trả lời, phản hồi. "Tổng công ty cũng sẵn sàng theo kiện nếu cổ đông đệ đơn", ông Thanh nói.
Năm trước, HĐQT của Vinaconex từng bị dừng hoạt động do đại diện 2 cổ đông lớn trên đệ đơn lên tòa về kết quả họp cổ đông thường niên năm 2019. Những vấn đề về tính minh bạch trong quản trị công ty và quyền lợi cổ đông lớn từng gây tranh cãi tại phiên họp cổ đông bất thường sau đó.