Sáng nay (6/5), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - HoSE:
NVL) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Vào lúc 8h45', Ban kiểm tra tư cách cổ đông công bố Đại hội có sự tham dự của 62 cổ đông đại diện gần 898 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 92,6%. Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT nói từ năm 2018, thị trường bất động sản gặp khó khăn do rà soát pháp lý. Trên thực tế, Novaland đã được tháo gỡ nhiều dự án nhưng vẫn có trường hợp gặp vướng mắc. 2020 là năm thứ 3, Novaland triển khai chiến lược kinh doanh giai đoạn 2, bên cạnh việc phát triển quỹ đất trung tâm TP HCM thì còn hướng đến các khu đô thị vệ tinh và bất động sản nghỉ dưỡng… Tháng 6/2019, mô hình đô thị sinh thái đầu tiên ở Đồng Nai – Aqua City được ra mắt. Công ty còn giới thiệu hàng loạt mô hình dự án mới với quy mô lớn, tiêu biểu như NovaWorld Mekong (tại Đồng bằng sông Cửu Long), NovaWorld Phan Thiet, NovaHills Mui Ne Resort & Villas (tại Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (tại Bà Rịa - Vũng Tàu)... đang được ráo riết hoàn thiện và triển khai.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc công ty cho biết quỹ đất của Novaland khoảng 4.900 ha, đảm bảo cho đà tăng trưởng từ 10 – 15 năm tới. Trong đó, quỹ đất BĐS trung tâm khoảng 671 ha, chiếm 14%; BĐS đô thị vệ tinh khoảng 722 ha, chiếm 15%; BĐS nghỉ dưỡng 3.500 ha, chiếm 71%. Tính đến 31/12/2019, Novaland phát triển 40 dự án nhà ở, một dự án BĐS đô thị vệ tinh, 5 dự án nghỉ dưỡng với tổng số khoảng 60.000 sản phẩm đã và đang phát triển.
Trình kế hoạch lợi nhuận sau thuế 3.650 tỷ đồng, tăng 8%
HĐQT trình kế hoạch năm nay với doanh thu thuần 14.877 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế 3.650 tỷ đồng, tăng 8%.
Công ty dự kiến tiếp tục phát triển 22 dự án tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm các dự án nghỉ dưỡng là mũi nhọn phát triển giai đoạn mới như NovaWorld Phan Thiết, NovaHill Mui Ne Resort&Villas, NovaWorld Ho Tram (The Tropicana), NovaWorld Ho Tram (Sakura Beach).
Cũng trong năm nay, Novaland dự kiến phát triển các dự án mới ở quận 2, 9 (TP HCM) và các dự án nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Kế hoạch bàn giao cũng được đưa ra, bao gồm sản phẩm ở 10 dự án.
HĐQT có tờ trình sửa đổi, bổ sung 25 ngành nghề kinh doanh, bao gồm bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh; bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; cho thuê xe có động cơ, cho thuê thiết bị thể thao, vui chơi giải trí; Dịch vụ phục vụ đồ uống, hoạt động các câu lạc bộ thể thao; Vận tải hành khác ven biển, đường thủy nội địa...
Năm 2019, Novaland đạt doanh thu thuần 10.931 tỷ đồng, giảm 29% còn lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên 3.387 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 8.723 tỷ đồng. HĐQT trình cổ đông phương án không chia cổ tức cho năm này. Đồng thời, công ty tạm thời không có kế hoạch chia cổ tức năm 2020.
Theo Báo cáo thường niên 2019, quỹ đất doanh nghiệp sở hữu và đang nghiên cứu đạt hơn 4.894 ha với danh mục hơn 40 dự án BĐS tại TP HCM và các tỉnh lân cận. M&A các dự án có vị trí chiến lược và tiềm năng, cũng như có pháp lý rõ ràng là con đường phát triển quỹ đất của Novaland trong năm 2020 và các năm sau.
Năm 2020, không chỉ tiếp tục đẩy mạnh khai phá những thị trường như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ, Novaland đặt mục tiêu gia tăng các quỹ đất tại các thị trường tiềm năng mới, điển hình như Lâm Đồng. Đây là những yếu tố thích hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các dự án nghỉ dưỡng theo đúng chiến lược đang thực hiện.
Kế hoạch phát hành ESOP 1,5%, điều chỉnh giá phát hành cổ phiếu chuyển đổi trái phiếu
HĐQT có tờ trình kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) năm 2020 với tỷ lệ tối đa 1,5% cho Thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách được HĐQT pê duyệt. Giá bán do HĐQT phê duyệt nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Việc thực hiện phát hành chậm nhất đến quý I/2021.
HĐQt trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu. Theo đó, giá chuyển đổi mới là 60.000 đồng/cổ phần, theo tỷ giá 22.773 VND/USD và được điều chỉnh theo từng thời điểm theo các sự kiện điều chỉnh giá chuyển đổi.
Tỷ lệ chuyển đổi là 75.910 cổ phần/trái phiếu, thay vì 64.149 cổ phần/trái phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2020.
Phần thảo luận, đại diện ban lãnh đạo công ty trả lời các thắc mắc của cổ đông.
- Covid-19 ảnh hưởng BĐS nghỉ dưỡng, chứng tỏ đây phân khúc mong manh. Chiến lược đối phó rủi ro ra sao?
Đại dịch bất ngờ và khủng khiếp, chúng tôi có sự phòng ngừa. Đầu tiên là chúng tôi thực hiện kế hoạch kinh doanh liên tục, triển khai đồng thời chương trình 60% nhân viên làm việc tại nhà. Các nhân sự chủ chốt cũng được chia để đảm bảo tính liên tục.
Novaland cũng xem xét chiến lược thoái vốn ở một số dự án để đầu tư dự án mới có hiệu quả đầu tư cao hơn. Chúng tôi triển khai linh hoạt tiến độ thu tiền ở dự án. Tuy gặp khó khăn nhưng kế hoạch bàn giao dự án trong 2020 không thay đổi.
- Năm nay công ty có kế hoạch huy động vốn không? Các đối tác hay thị trường nào là mục tiêu chính? Kế hoạch gói trái phiếu chuyển đổi 300 triệu USD là như thế nào?
Novaland đã xây dựng kịch bản xấu nhất, trung tính và triển vọng tốt nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra. Trước nay, Novaland luôn tận dụng được kênh dẫn vốn từ quốc tế và trong nước. Trong nước, công ty duy trì quan hệ với ngân hàng thương mại, bao gồm VietinBank, MBBank, VPBank, TPBank… Mối quan hệ tín dụng này trải qua nhiều giai đoạn phát triển thị trường, có thể huy động 400 – 500 triệu USD năm nay. Đồng thời, Tập đoàn còn phát hành công cụ tài chính mới trên thị trường.
Với tài chính quốc tế, năm 2019 Tập đoàn có huy động hạn mức 600 triệu USD, đã rút 310 triệu USD. Năm 2020 Tập đoàn còn có thể rút vốn 290 triệu USD, trong tháng 3 đã rút 100 triệu USD. Khoản vay hợp vốn này từ ngân hàng quốc tế, thời hạn 3,5 năm, lãi suất thấp hơn cả ngân hàng trong nước.
Ban lãnh đạo Tập đoàn sẽ tiếp tục trình HĐQT và thực hiện xin phép Ngân hàng Nhà nước đồng ý gói vay mới khoảng 300 triệu USD. Cấu trúc là trái phiếu chuyển đổi nhưng bản chất là đăng ký vay ngân hàng nước ngoài, cân nhắc đảm bảo hài hòa cấu trúc tài chính. Dự kiến tới họp ĐHĐCD 2021 sẽ báo cáo chi tiết hơn.
- Việc cấp sổ đỏ nhiều dự án ở TP HCM?
Từ 2019, ĐHCĐ đã đề cập vướng mắc từ chậm trễ pháp lý do định giá quyền sử dụng đất từ cơ quan chức năng. Năm 2020, sau khi có kiến nghị từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì UBND TP HCM, các tỉnh, thành phía Nam có động thái tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ vưỡng mắc. Các dự án chưa cấp sổ đỏ của Novaland có thể được cố gắng tháo gỡ, cấp sổ đỏ trong nửa cuối năm 2020.
- Chiến lược dài hạn có thay đổi gì sau Covid-19? Công ty có thành tập đoàn đa ngành?
Từ 2019 tầm nhìn của Novaland có sự thay đổi, hướng đến 3 dòng sản phẩm BĐS nhà ở trung tâm, BĐS sinh thái đô thị vệ tinh và BĐS nghỉ dưỡng. Chiến lược dài hạn không thay đổi, về trung hạn thì sẽ tập trung vào các dự án có nhu cầu thực của khách hàng. Năm nay dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một phân khu NovaHills Mũi Né và một khu dự án NovaWorld Hồ Tràm.
- Sau covid-19, làm sao Novaland đảm bảo kế hoạch bán hàng?
Kế hoạch năm nay của Tập đoàn là 8.000 căn, tăng 25% so với năm trước. Khi xảy ra Covid-19, Tập đoàn đã giãn dòng tiền cho khách thanh toán từ tháng 4 đến tháng 6, tức sau tháng 6 khách hàng mới phải đóng tiền và không chịu lãi phạt phát sinh. Ngoài giãn tiến độ thu tiền thì Tập đoàn còn giới thiệu nhiều chương trình ưu đãi. Dự kiến hết quý II, khách mua sản phẩm sẽ đạt khoảng 26%, từ quý III đến IV, Tập đoàn tin tưởng kế hoạch 8.000 căn sẽ khả thi.
Tại Đại hội, cổ đông cũng thông qua việc bầu bổ sung một thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ứng viên trúng cử là ông Lê Quốc Hùng, sinh năm 1950. Ông Hùng từng làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM (2001 - 2008), Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (2008 - 2011), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp TP HCM (2013 - 2016). Ông Hùng cũng đã làm cổ vấn cho Novaland từ 2014 đến 2015. Hiện, ông làm Ủy viên Ban chấp hành Quỹ Hòa Bình Phát triển Việt Nam.
Sau khi bổ sung, Novaland có 6 thành viên HĐQT, bao gồm 3 thành viên độc lập. Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung các tờ trình.