Hầu hết các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đều ghi nhận hiệu suất âm trong quý III.
Một số quỹ vẫn đạt mức tăng trưởng dương như Vietnam Holding, VFMVN Diamond.
Tính từ đầu năm, phần lớn quỹ đều đạt tỷ suất sinh lời vượt mức tăng 21% của chỉ số chung.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý III đầy biến động khi giảm hơn 98 điểm trong tháng 7, sau đó các chỉ số dần hồi phục vào hai tháng sau đó. Kết thúc phiên giao dịch 30/9, VN-Index dừng tại mức 1.342,06 điểm, tương đương giảm gần 78 điểm (5,5%) so với mức đỉnh thiết lập tại ngày 2/7.
Trước biến động đi xuống của thị trường, hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam ghi nhận hiệu suất âm trong quý III. Tỷ suất sinh lời của SSIAM VNFin Lead ETF âm 13% do hầu hết các cổ phiếu tài chính trong danh mục quỹ đều có xu hướng giảm. Trong đó, một số cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất như
MBB,
STB,
ACB… đã giảm hơn 11% sau quý III.
Tỷ suất sinh lời của các quỹ ETF khác cũng kém khả quan trong 3 tháng qua. Cụ thể, hiệu suất của VanEck Vectors Vietnam ETF (
VNM ETF) âm 6,3%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hai cổ phiếu
VIC và
VHM chiếm tỷ trọng lớn nhất đều là 8%, song giá giảm lần lượt gần 17% và 13%.
VNM ETF có quy mô hơn 560 triệu USD.
Hầu hết quỹ ETF sử dụng tham chiếu VN30 đều ghi nhận hiệu suất âm 5%, tương đưng mức giảm của chỉ số. Quỹ mới gia nhập từ tháng 3 là Fubon FTSE Vietnam ETF cũng ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 3%.
Tuy nhiên, một số quỹ vẫn đạt mức tăng trưởng dương trong quý III vừa qua. Cụ thể, Vietnam Holding (giá trị tài sản ròng (NAV) khoảng 140 triệu USD) ghi nhận hiệu suất 2,5% nhờ đầu tư một số mã như
KDH,
FPT… Quỹ thành viên thuộc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) là VFMVN Diamond cũng đạt tỷ lệ sinh lời 2% nhờ danh mục các cổ phiếu cạn room ngoại.
Dù có sự điều chỉnh vào quý III nhưng sự bứt phá mạnh mẽ giai đoạn trước giúp hầu hết các quỹ đầu tư đều ghi nhận kết quả hoạt động khả quan từ đầu năm khi vượt qua mức tăng hơn 21% của chỉ số chung VN-Index.
VFMVN Diamond có hiệu suất sinh lời cao nhất thị trường gần 56%. Tại thời điểm cuối tháng 8, cổ phiếu
FPT tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 16,6% NAV, tương đương gần 2.300 tỷ đồng. Thị giá mã này đã tăng 86% kể từ đầu năm.
Mặc dù giá các cổ phiếu tài chính kém khởi sắc trong 3 tháng gần đây, nhưng SSIAM VNFin Lead ETF vẫn đứng top 3 trong danh sách các quỹ đầu tư hiệu quả nhất đang hoạt động tại Việt Nam với hiệu suất hơn 46%. Hai quỹ ETF khác thuộc quản lý của công ty Quản lý quỹ SSI là SSIAM VN30 và SSIAM VNX50 cũng có kết quả ấn tượng khi mức tăng trưởng đều trên 36% kể từ đầu năm.
Các quỹ đầu tư chủ động cũng được vận hành hiệu quả, trong đó Vietnam Holding ghi nhận tỷ lệ sinh lời gần 47,5%. Hiệu suất của VFMVSF cũng đạt hơn 42% nhờ đầu tư dài hạn cổ phiếu công ty niêm yết có vốn hóa lớn hoặc trung bình với nền tảng cơ bản tốt. Tại ngày 30/6, giá trị tài sản ròng của quỹ mở này đạt hơn 5.100 tỷ đồng, gấp 12 lần thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoản đầu tư tại Hòa Phát chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ 13,5%.
Tính từ đầu năm, hiệu suất sinh lời của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL-Dragon Capital) đạt 40%. Tại ngày 23/9, quỹ đã điều chỉnh tỷ trọng tiền mặt xuống 0,75%. Trước đó vào tháng 7, tỷ trọng tiền mặt được nâng lên mức cao nhất hơn một năm – 5,56% trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm sâu.
Trong khi đó, một tên tuổi lớn khác trong nhóm quỹ chủ động là PYN Elite Fund (NAV khoảng 565 triệu USD) có tỷ suất lợi nhuận ở mức gần 19% - thấp hơn hiệu quả chung thị trường - VN-Index.
Hiệu suất của quỹ âm trong hai tháng liên tiếp (tháng 7: -5,5% và tháng 8: -0,19%). PYN Elite cho biết việc đầu tư kém tích cực trong tháng 8 chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm ngân hàng khi mà nhóm này đã bị chốt lời sau khi tăng tới 43% trong 7 tháng đầu năm. Tỷ lệ tăng trưởng của tổ chức đã có sự khả quan hơn trong tháng 9 với mức dương hơn 2%.
Với các mã chứng khoán trong danh mục, quỹ ước tính dư địa tăng trưởng lớn, nhiều cổ phiếu được dự phóng tăng bằng lần như
CTG (110%),
ACV (104%),
VRE (101%),
CEO (136%)... PYN Elite đang để tỷ trọng đầu tư
VHM lớn nhất trong danh mục do quỹ cho rằng cổ phiếu của doanh nghiệp phát triển nhà ở lớn nhất Việt Nam này đang bị định giá thấp và công ty đang có nền tảng tốt để đạt lợi nhuận cao. Việc giá cổ phiếu đang bị kìm hãm xuất phát từ một số yếu tố ngẫu nhiên của thị trường.